Xã hội

Thu hút doanh nghiệp đầu tư tại các khu công nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng

Vĩnh Phúc

Khối thi đua Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế các tỉnh Đồng bằng sông Hồng 6 tháng cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 207 dự án, gồm 161 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 46 dự án đầu tư trong nước (DDI).

TTXVN - Sáng 14/7, Khối thi đua các Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước của Trung ương và địa phương, các đơn trong khối đã xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng, tổ chức phát động thi đua ngay từ đầu năm.

Các cơ quan, đơn vị trong khối đã tập trung chỉ đạo và thực hiện đổi mới thi đua cả về nội dung và hình thức. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, phong trào thi đua... gắn với công tác thi đua khen thưởng.

Từ đó khuyến khích, động viên công chức, viên chức, người lao động tích cực tham gia vào các phong trào thi đua của đơn vị, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nhất là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Phong trào thi đua của các đơn vị trong khối đã tập trung thi đua đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở; xây dựng nội bộ cơ quan đoàn kết, vững mạnh; phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới...

Các đơn vị thành viên trong khối thi đua đã chủ động, tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan, và thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, chú trọng xúc tiến tại chỗ, cùng tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, xúc tiến trực tuyến, trực tiếp linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về đầu tư tại các Khu công nghiệp của địa phương.

Các đơn vị cũng tổ chức nhiều buổi làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế

Khối thi đua Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế các tỉnh Đồng bằng sông Hồng 6 tháng cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 207 dự án, gồm 161 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 46 dự án đầu tư trong nước (DDI).

Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh trong 6 tháng đầu năm của các đơn vị: 4.693,1 triệu USD và 80.169,1 tỷ đồng; trong đó, một số đơn vị đạt kết quả nổi bật là Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc.

Tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng hiện có 187 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích là 63.478,9 ha; trong đó, số khu đã đi vào hoạt động là 89 khu với tổng diện tích là 19.767,6 ha, số khu đang xây dựng hạ tầng là 33 với tổng diện tích là 10.932 ha.

Với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, các Ban Quản lý đã chủ động thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời tham mưu với UBND tỉnh, thành phố có những biện pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm đã đạt được mức khá. Tổng doanh thu khối doanh nghiệp FDI đạt 37.096.365,4 triệu USD; khối doanh nghiệp DDI đạt 74.010.519,4 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước khối doanh nghiệp FDI đạt 2.406,6 triệu USD; khối doanh nghiệp DDI đạt 12.258,3 tỷ đồng.

Trong 6 tháng cuối năm 2023, các đơn vị trong khối tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của địa phương; thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển năm 2023.

Các đơn vị trong khối tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành, đặc biệt trong quản lý doanh nghiệp.

Các đơn vị tham mưu xây dựng chính sách về đầu tư phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng; chủ động tham mưu các hội nghị xúc tiến đầu tư, kết nối và làm việc với các tập đoàn lớn trong nước cũng như nước ngoài; tổ chức các cuộc đối thoại chính sách, có biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính và đất đai.

Cùng đó, các đơn vị trong trong khối phối hợp với các trường, cơ sở đào tạo nghề đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng; xây dựng cầu nối giữa cơ sở giáo dục, đào tạo với các doanh nghiệp để đào tạo các ngành nghề, lĩnh vực doanh nghiệp có nhu cầu, tập trung đào tạo các ngành nghề chất lượng cao, phù hợp với nền kinh tế hiện nay như kỹ thuật số, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, công nghệ sinh học... ./.

Trọng Lịch

Xem thêm