Cùng với xây dựng đội ngũ, Thành phố triển khai các chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
TTXVN - Trên cơ sở các chủ trương chung, những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, nhất là về khoa học, công nghệ cả về xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư phát triển nguồn lực con người.
Thành phố có Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao và 13 đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng hoạt động khoa học, công nghệ tạo điều kiện hoạt động nghiên cứu, phát triển và sáng tạo cho đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ. Thành phố cũng khuyến khích xã hội đầu tư phát triển mạng lưới với hơn 483 tổ chức khoa học, công nghệ và 134 phòng thí nghiệm.
* Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức
Về nguồn lực con người, Thành phố đã triển khai nhiều chương trình, đề án như chương trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ; Đề án hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2035; các chương trình hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao chuyên môn chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như bán dẫn, phân tích kiểm nghiệm, trong quản trị tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo…; thực hiện thí điểm các chính sách hỗ trợ thu nhập theo Nghị quyết 20 của HĐND để thu hút chuyên gia, nhà khoa học đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Qua đó, hàng ngàn lượt trí thức đã tiếp cận và thụ hưởng các chính sách; một số chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đã tham gia làm việc cho các tổ chức khoa học công nghệ công lập của Thành phố.
Các giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đã được Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng thông qua cơ chế đặt hàng. Giai đoạn 2016 - 2022, Thành phố đã đặt hàng nghiên cứu 529 nhiệm vụ khoa học - công nghệ, thu hút hơn 5.290 trí thức tham gia thực hiện.
Kết quả, hơn 2.117 đơn vị tài sản trí tuệ, 800 bài báo (50% là bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus), 126 sáng chế. Chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học - công nghệ trẻ giai đoạn 2019 - 2022 đã hỗ trợ thực hiện 133 đề tài khoa học với hơn 1.260 người tham gia thực hiện…
Cùng với xây dựng đội ngũ, Thành phố triển khai các chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện thuận lợi để đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xuất sắc cũng như thu hút chuyên gia, nhân tài. Trong đó, đã triển khai chính sách về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực có nhu cầu thu hút.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, những chính sách nêu trên đã góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thành phố. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những hạn chế trong chính sách, cơ chế, mô hình và giải pháp thực hiện, dẫn đến việc chưa phát huy hết tiềm lực của đội ngũ trí thức.
Việc đầu tư cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu… chưa đáp ứng môi trường làm việc của đội ngũ trí thức. Chính sách đầu tư cho con người như thu nhập, đào tạo bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cơ chế tài chính, quản lý Nhà nước về hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ theo quy định của pháp luật còn nhiều bất cập.
*Thu hút các chuyên gia đầu ngành
Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định định hướng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó khẳng định vai trò của khoa học - công nghệ phải thực sự là động lực cho sự phát triển. Lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, nhưng còn thiếu những chuyên gia đầu ngành. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là chính sách ưu đãi nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chưa đủ mạnh để thu hút các chuyên gia đầu ngành.
Đề cập đến vai trò của đội ngũ trí thức, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chi Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng quyết định, giúp Thành phố giữ vững vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của cả nước.
Cùng với cơ chế chung của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh có những chính sách riêng trong việc thu hút chuyên gia và đã đạt được một số thành tựu, tuy nhiên, vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng. Đơn cử, thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố về thu hút các trí thức đến làm việc tại các đơn vị, nhưng số lượng chuyên gia thu hút được còn khiêm tốn.
Theo ông Phan Văn Mãi, trí thức đóng góp không chỉ trong khoa học công nghệ mà còn trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, nhưng hiện chính sách của Thành phố chưa thực sự động viên được đội ngũ trí thức này. Vì thế, Thành phố tiếp tục xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách mới theo hướng linh hoạt hơn trong việc thu hút đội ngũ trí thức nói chung, cho lĩnh vực khoa học - công nghệ nói riêng; sẽ tập hợp đội ngũ trí thức trong và ngoài nước thông qua cơ chế đặt hàng nhiệm vụ. Cùng với đó, có chính sách động viên đội ngũ trí thức bằng cơ chế đào tạo, thu nhập tăng thêm, nhà ở và các quyền lợi khác về đề bạt, bổ nhiệm, tham gia sâu hơn vào các chương trình của Thành phố.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cơ chế chính sách thu hút chuyên gia khoa học - công nghệ hiện nay mới tập trung ở một số đơn vị và chủ yếu là thu hút chuyên gia nước ngoài, Việt kiều, chưa thu hút được các chuyên gia trong nước ở các viện, trường. Hơn nữa, các chính sách cũng chủ yếu tập trung vào “thu hút” đội ngũ trí thức, chuyên gia đến Thành phố làm việc và tham gia vào các cơ sở công lập.
Thời gian gần đây, quan điểm về “huy động” đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học (thu hút chất xám) đang được Thành phố chú trọng. Từ đó, đã huy động được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tham gia tư vấn, phản biện tìm giải pháp xử lý các vấn đề xã hội; vấn đề ùn tắc giao thông; giảm ngập nước; giảm thiểu ô nhiễm...
Tuy nhiên, so với tiềm năng hiện có cũng như cơ chế chính sách huy động hiện nay, kết quả này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Vì thế, song song với việc triển khai chính sách “thu hút” con người, chính sách “huy động” chất xám là một cách tiếp cận mới để Thành phố Hồ Chí Minh có thể khai thác hiệu quả tiềm năng, đặc biệt là trong việc tư vấn cơ chế và chính sách phát triển.
Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, việc đầu tư cho con người được quan tâm thông qua các chính sách đãi ngộ mạnh mẽ hơn. Đáng chú ý, Sở Khoa học và Công nghệ có những đề xuất mới về chế độ thu nhập cho chức danh lãnh đạo, người nghiên cứu khoa học với mức chi thù lao với chức danh người đứng đầu tổ chức khoa học công nghệ công lập, với mức chi tối đa 120 triệu đồng mỗi tháng.
Đồng thời, Thành phố triển khai kế hoạch hỗ trợ hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc tại các đại học, tổ chức khoa học công nghệ thông qua chương trình khoa học công nghệ, dự án khoa học công nghệ trung hạn (5-10 năm) theo đặt hàng; ưu tiên đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ có hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực quốc tế trong hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thành phố tiếp tục hoàn thiện và triển khai thêm nhiều nhóm giải pháp, chính sách một cách đồng bộ. Trong đó, địa phương sẽ sắp xếp lại các tổ chức khoa học công nghệ công lập, hình thành Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đóng vai trò kết nối trường viện và doanh nghiệp trong thực hiện hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Cùng với đó, hình thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với định hướng phát triển mạng lưới các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố./.