Thủ tướng Campuchia thăm chính thức Việt Nam: Tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Manet sẽ tiếp tục là sự khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của lãnh đạo hai nước trong củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc, đồng thời mang đến những cơ hội hợp tác mới để nâng tầm quan hệ song phương.
TTXVN - Ngày 11/12, Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet, Thủ tướng Vương quốc Campuchia thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Hun Manet trên cương vị mới, góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Campuchia - Việt Nam. thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Hun Manet trên cương vị mới, góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Campuchia - Việt Nam.
Kể từ năm 2005, khi Lãnh đạo Cấp cao hai nước thống nhất đề ra phương châm mới trong phát triển quan hệ song phương theo tinh thần “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, gần 20 năm qua, quan hệ hai nước đã không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Lãnh đạo Cấp cao hai nước duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc và trao đổi dưới nhiều hình thức kể cả khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước với các cơ chế hợp tác thiết thực được triển khai ngày càng hiệu quả, đưa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu. Các hoạt động ngoại giao nhân dân của Mặt trận, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị, Hội Hữu nghị, các tổ chức đoàn thể quần chúng của hai nước, nhất là tại các tỉnh biên giới diễn ra sôi nổi và rộng khắp, góp phần nâng cao sự hiểu biết của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước.
Hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh giữa hai nước được tăng cường. Hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh chóng và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia đạt 10,57 tỷ USD, tăng khoảng 10,88% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại hai nước đạt 7,1 tỷ USD, giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia (sau Trung Quốc và Mỹ) và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN. Đến nay, Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia, đồng thời đứng thứ hai trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư.
Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đã và đang đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và sự phát triển thịnh vượng của Vương quốc Campuchia. Các lĩnh vực hợp tác khác về giáo dục - đào tạo, giao thông - vận tải, văn hóa, y tế, viễn thông... cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Trong năm 2023, trao đổi du lịch giữa hai nước có bước tăng trưởng nổi bật. Trong 10 tháng qua, số lượng khách du lịch Việt Nam đến thăm Campuchia đạt hơn 880.000 người, trong khi khách Campuchia sang thăm Việt Nam đạt hơn 300.000 người.
Hai nước phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam (CLV), Hội nghị cấp cao Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mê Kông (ACMECS),… góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.
Nhìn nhận về mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia thời gian qua, trao đổi với phóng viên TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng nhấn mạnh, Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, quan hệ hai nước đã được thử thách, tôi luyện và ngày càng phát triển một cách sâu rộng, thiết thực trên các lĩnh vực, trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc.
Năm 2022, là “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia”, cả hai nước đã tổ chức thành công nhiều sự kiện có ý nghĩa và thiết thực kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, thể hiện sự coi trọng và luôn dành ưu tiên cho nhau trong mối quan hệ láng giềng tốt đẹp.
Tiến sĩ Trịnh Thị Hoa (Giảng viên cao cấp, Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, cả hai đảng cầm quyền hiện nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đều ủng hộ lẫn nhau, tôn trọng nguyên tắc nêu trong các Tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia: bảo vệ và gìn giữ, phát triển mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”; cùng cam kết trách nhiệm bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Sự ủng hộ về chính trị ngoại giao là cơ sở để hai nước tin cậy lẫn nhau, triển khai thuận lợi tất cả các kênh (Đảng, Nhà nước, nhân dân), các lĩnh vực hợp tác khác.
Đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa hai nước cũng như quan hệ song phương và phối hợp trên trường quốc tế, theo Tiến sĩ Trịnh Thị Hoa, Thủ tướng Hun Manet sẽ tiếp tục đi theo đường lối đối ngoại của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đó là thúc đẩy hợp tác tốt đẹp với tất cả các nước thân thiện, ủng hộ Campuchia, ủng hộ CPP. Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng coi trọng mối quan hệ với Campuchia là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Đây sẽ là thuận lợi để hai nước tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ ở cả ba kênh Đảng, Nhà nước và nhân dân, gặt hái những thành công mới. Đồng thời, hai nước sẽ tiếp tục ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương trong khu vực và quốc tế, vì hòa bình và sự thịnh vượng chung của khu vực.
Tiến sĩ Trịnh Thị Hoa tin tưởng Việt Nam - Campuchia sẽ thúc đẩy nhanh chóng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đang là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của hai quốc gia, đúng như tinh thần của Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia ký hồi tháng 6/2023.
Những nhận định trên có cơ sở vững chắc khi tại cuộc tiếp Đại sứ Việt Nam tại Campuchia ngày 11/10 vừa qua, Thủ tướng Hun Manet đã đề nghị hai bên tiếp tục phát huy các thành quả đạt được, tăng cường quan hệ chặt chẽ và mở rộng hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực, triển khai sâu sát các nội dung hai bên đã thỏa thuận nhằm góp phần thiết thực vào việc củng cố và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng Hun Manet khẳng định, Chính phủ và các bộ, ngành Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp, hợp tác với Việt Nam để tăng cường quan hệ toàn diện giữa hai nước.
Trong cuộc gặp ngày 20/10, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tại thủ đô Riyadh (Vương quốc Saudi Arabia), Thủ tướng Hun Manet và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng khẳng định mong muốn tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký giữa hai nước; đẩy mạnh hợp tác, kết nối hai nền kinh tế, góp phần hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn liền với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp hai nước, nhất là trong các lĩnh vực như thương mại biên giới, hợp tác phát triển kinh tế khu vực giáp biên, hiện thực hóa ý tưởng hợp tác du lịch “một hành trình, ba điểm đến” giữa Campuchia, Lào và Việt Nam.
Có thể khẳng định, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Manet sẽ tiếp tục là sự khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của lãnh đạo hai nước trong củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc, đồng thời mang đến những cơ hội hợp tác mới để nâng tầm quan hệ song phương./.