Thời sự

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bảo đảm an toàn, vệ sinh để công nhân có môi trường lao động thuận lợi

Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ phát động Tháng Công nhân năm 2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

TTXVN - Chiều 27/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ phát động Tháng Hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

Dự Lễ phát động có: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Trưởng Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động Trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương.

Tại Lễ phát động, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, qua 4 năm phối hợp triển khai phát động giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tháng Công nhân - Tháng Hành động về An toàn vệ sinh lao động đã thực sự trở thành ngày hội của công nhân lao động cả nước với nhiều hoạt động cụ thể hướng về người lao động, nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động, sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

“Năm 2022, với chủ đề 'Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng' và 'Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19', các cấp Công đoàn, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các cấp, ngành, doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực, toàn diện cả về vật chất, tinh thần. Môi trường làm việc an toàn, đảm bảo sức khỏe cho đoàn viên, công nhân lao động; đã có 10.203 cuộc đối thoại được tổ chức; 11.131 hoạt động cảm ơn thành viên được triển khai; hàng ngàn lượt công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, hỗ trợ tiếp sức...

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị công nhân, công chức, viên chức, người lao động trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát huy trí tuệ, sự cống hiến, bằng những hoạt động cụ thể, ra sức thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2023; gắn bó với tổ chức Công đoàn Việt Nam, đồng hành và đóng góp tích cực vào việc xây dựng cơ quan, doanh nghiệp phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp phải quan tâm, quý trọng và chia sẻ thành quả với người lao động để nuôi dưỡng nguồn nhân lực. Đó là nguồn vốn quý của mỗi doanh nghiệp - lực lượng tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng các đại biểu phát động Tháng Công nhân năm 2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, lực lượng lao động nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, có trên 52 triệu người lao động với nhiều chuyên gia, người lao động có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế. Lao động Việt Nam từng bước đảm nhiệm được những công việc phức tạp mà trước đây phải cần tới chuyên gia nước ngoài.

Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp. Năng suất lao động được nâng lên. Hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về lao động tiếp tục được hoàn thiện. Các tiêu chuẩn về lao động cơ bản được bảo đảm, nhất là về vệ sinh, an toàn. Những người không may bị tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quan tâm, chăm lo và bảo đảm các chế độ. Tiền lương và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt.

Đến nay, tổ chức Công đoàn có gần 11 triệu đoàn viên sinh hoạt ở 126 nghìn Công đoàn cơ sở. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn chăm lo đời sống cho người lao động; chủ động kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều cơ chế, chính sách, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những thành tích mà tổ chức Công đoàn, công nhân lao động cả nước đạt được trong những năm qua, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta đang sống và làm việc trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số, tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo... đang làm gia tăng sức ép về cắt giảm giờ làm, việc làm, tác động trực tiếp đến người lao động.

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, chuyển dịch lao động giữa các vùng, các khu vực kinh tế và giữa các doanh nghiệp đòi hỏi người lao động phải thích ứng nhanh, linh hoạt với những thay đổi này. Trong khi đó, một bộ phận người lao động, nhất là lao động phi chính thức chưa có việc làm bền vững. Nhiều lao động bị mất việc, giảm giờ làm, nhất là trong 2 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và việc đứt gãy cục bộ chuỗi cung ứng, sản xuất trên thế giới. Nhu cầu về nhà ở và các thiết chế cơ bản của công nhân, người lao động còn rất lớn nhưng chưa được đáp ứng.

Thủ tướng cho rằng, điều kiện làm việc ở nhiều cơ sở còn hạn chế, tình trạng nhà xưởng chật hẹp, máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, dễ xảy ra tai nạn lao động. Môi trường làm việc độc hại, nhất là đối với phụ nữ, như nóng, bụi, yếm khí, bị ô nhiễm bởi tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, hóa chất… vượt tiêu chuẩn cho phép. Việc tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh lao động tại nhiều cơ sở chưa nghiêm. Bệnh nghề nghiệp còn diễn biến phức tạp; tình hình tai nạn lao động chưa được cải thiện, vẫn có những vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người.

Thủ tướng nêu rõ, trong giai đoạn phát triển mới, giai cấp công nhân là một lực lượng xã hội to lớn với vai trò rất quan trọng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…”, “…Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân…”.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng này, Thủ tướng cho rằng, cần cùng nhau hành động với tinh thần thiết thực, hiệu quả. Trong đó phải kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển đa dạng các thành phần kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và sinh kế cho người lao động.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải thường xuyên quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; phải sống trong cuộc sống của người lao động; phải nói tiếng nói chân thành của người lao động; phải hành động quyết liệt, hiệu quả trước những vấn đề người lao động cần; phải có quan điểm đầu tư cho người lao động là đầu tư cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa đời sống của công nhân, người lao động.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển các công trình phúc lợi, siêu thị, thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục phục vụ người lao động và gia đình, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân; bảo đảm cơ hội tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho người lao động; sớm có giải pháp căn cơ nâng cao năng suất lao động quốc gia.

Các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đào tạo, đào tạo lại, đào tạo tại chỗ nhằm chuyển đổi, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động; tạo điều kiện để người lao động tiếp cận bình đẳng, nhanh chóng, thuận tiện với các chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội. Các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, quan tâm tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Thủ tướng đề nghị, cùng hành động để xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững; kịp thời hỗ trợ người lao động ứng phó, thích ứng, giải quyết các khó khăn, thách thức, rủi ro; tăng cường nhận thức về tầm quan trọng và triển khai hiệu quả việc bảo đảm an toàn, vệ sinh cho người lao động và người sử dụng lao động; tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, chủ động ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với lao động nữ; bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cá nhân và gia đình người lao động.

Thủ tướng lưu ý, tổ chức Công đoàn thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Công đoàn phải có biện pháp thiết thực để nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của công nhân, phải tùy khả năng cộng với cố gắng mà nâng cao dần đời sống vật chất của họ; phải chú ý bảo vệ sức khỏe, bảo vệ an toàn lao động và tăng cường công tác vệ sinh...”; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và các quy định tại Luật, Điều lệ Công đoàn.

Công đoàn các cấp cần tập trung chăm lo, thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên; đại diện cho người lao động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; góp phần tích cực bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về lao động; thường xuyên quan tâm, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; phải sống cuộc sống của người lao động, nói tiếng nói của người lao động. Công đoàn các cấp kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa đời sống của công nhân, người lao động; đặc biệt quan tâm công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh, để công nhân có môi trường thuận lợi cho lao động, sản xuất.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tập hợp lực lượng, tuyên truyền để củng cố sức mạnh của giai cấp công nhân, các đoàn viên nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan và chủ động cùng với công đoàn các cấp tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Thủ tướng tin tưởng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và cùng nhau hành động, tổ chức Công đoàn Việt Nam, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, công nhân, viên chức, người lao động cả nước sẽ tiếp tục nỗ lực, phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được, phấn đấu cao nhất để hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trao quà cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại Lễ phát động, 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động” được tặng Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 5 tập thể dẫn đầu trong phong trào thi đua về An toàn vệ sinh lao động trong năm 2022 được tặng Cờ thi đua của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu đã thực hiện nghi thức phát động Tháng Công nhân - Tháng Hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Chỉ đạo Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động Trung ương đã trao 8 suất quà tới công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mỗi suất quà gồm 5 triệu đồng tiền mặt và hiện vật trị giá 500 ngàn đồng./.


Đỗ Bình

Tin liên quan

Xem thêm