Trong bối cảnh công tác bình đẳng giới nói chung, bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái trước bạo lực giới vẫn đang diễn biến phức tạp nói riêng, đòi hỏi cần tiếp tục có những biện pháp mang tính đột phá.
Đảng đã ban hành nhiều văn bản chính sách quan trọng và Nhà nước đã thiết lập thể chế tương đối đầy đủ về công tác bình đẳng giới, tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, nâng cao vai trò và vị thế của họ trong mọi lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh công tác bình đẳng giới nói chung, bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái trước bạo lực giới vẫn đang diễn biến phức tạp nói riêng, đòi hỏi cần tiếp tục có những biện pháp mang tính đột phá.
Trong số những văn bản pháp lý quan trọng về bình đẳng giới ở Việt Nam, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được cho là một trong những “lá chắn” vững chắc bảo vệ quyền con người trên lĩnh vực giới.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), gồm 6 chương, 56 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 để làm rõ và củng cố thêm. Để triển khai thi hành Luật đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 428/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) xác định rõ hành vi bạo lực gia đình, tính chất, mức độ từng hành vi sẽ nâng cao biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực gia đình, giảm các chi phí khắc phục hậu quả do bạo lực gia đình gây ra từ đó thúc đẩy kinh tế gia đình, kinh tế đất nước phát triển.
Triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), từ 1/7/2023, thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc thực thi các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ ở Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.
Sau khi luật được ban hành, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, đoàn thể và các tổ chức xã hội đã có những cải thiện rõ rệt. Các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, các tổ chức phi chính phủ đã vào cuộc mạnh mẽ hơn, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình như tư vấn pháp lý, tâm lý và nơi tạm trú. Các cơ quan chức năng, từ công an, tòa án đến chính quyền cấp cơ sở, đã có sự quan tâm và xử lý nghiêm túc hơn đối với các vụ bạo lực gia đình. Nhiều vụ án liên quan đến bạo hành phụ nữ, trẻ em gái được đưa ra xét xử và hung thủ bị nhận những bản án nặng thích đáng.
Mặc dù các chính sách và quy định pháp luật đã được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện, nhưng thực tế vẫn còn nhiều thách thức trong việc thực thi các quy định này.
Bà Ngô Thị Tuyết Em, Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, việc áp dụng và thực thi pháp luật đối với một số hành vi bạo lực trên cơ sở giới còn gặp khó khăn, thiếu sự đồng bộ giữa các cơ quan chức năng; cần tăng cường sự thực thi các chính sách và pháp luật thông qua giám sát và phản biện xã hội ở các lĩnh vực liên quan và có các hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm để đảm bảo các chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Đẩy mạnh giáo dục về bình đẳng giới và không chỉ nên dừng lại ở các chiến dịch tuyên truyền mà còn cần được tích hợp vào chương trình học trong trường học và được thực hiện thường xuyên trong cộng đồng. Điều này sẽ giúp thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ, từ đó tạo ra những thay đổi bền vững trong xã hội.
Qua nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, Tiến sĩ Phùng Thị An Na (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, có một xu hướng đang xuất hiện là một số cơ quan chức năng, đoàn thể lạm dụng việc hòa giải “đóng cửa bảo nhau”, khiến các nạn nhân mất niềm tin ở các cơ chế bảo vệ, tạo kẽ hở cho các đối tượng gây ra bạo lực lợi dụng.
“Mặc dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã đưa ra các quy định cụ thể về xử lý nghiêm các vụ bạo lực, tuy nhiên trong thực tiễn, nhiều trường hợp bạo lực gia đình vẫn bị giải quyết thông qua các biện pháp hòa giải “đóng cửa bảo nhau”, khiến nạn nhân đôi khi không nhận được sự bảo vệ thích đáng và khiến kẻ bạo hành tiếp tục có cơ hội tái phạm. Các cơ quan chức năng cần phải nghiêm túc trong việc phân biệt giữa các vụ mâu thuẫn gia đình bình thường và các vụ bạo lực, bảo vệ quyền lợi của nạn nhân và áp dụng các biện pháp bảo vệ khẩn cấp khi cần thiết”, Tiến sĩ Phùng Thị An Na cho hay.
Là một trong những đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, khi xây dựng Luật, các đại biểu Quốc hội rất kỳ vọng là khi Luật có hiệu lực, vấn đề bạo lực gia đình nói chung và vấn đề bạo lực giới nói riêng cũng sẽ được giải quyết một cách căn bản, triệt để. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai cho thấy, còn rất nhiều khó khăn để luật thực sự đi vào cuộc sống, trong đó khó khăn lớn nhất liên quan đến nhận thức.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, vẫn còn quan niệm bạo lực gia đình là việc của mỗi nhà. Những mâu thuẫn gia đình, việc sử dụng bạo lực giữa bố mẹ và con cái, giữa chồng đối vợ, chỉ là việc cá nhân và quan niệm "yêu cho roi, cho vọt" tồn tại rất nhiều. Khi chứng kiến bạo lực gia đình, biết về bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực giới trong gia đình thì người ta lại đổ lỗi cho người phụ nữ.
“Phải rà soát lại các chế tài xử lý, đảm bảo nghiêm minh và hiệu quả; đồng thời cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, cho mọi người đều có thể hiểu biết một cách đúng hướng về bạo lực giới và bình đẳng giới”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ./.
(Bài tiếp theo: Sẵn sàng hợp tác quốc tế)