Với quyết tâm không để phụ nữ cảm thấy đơn độc trên hành trình xóa bỏ bạo lực giới, thúc đẩy bình đẳng giới bền vững, cả hệ thống chính trị cùng các tổ chức xã hội đã vào cuộc với nhiều phong trào, mô hình, giải pháp đa dạng, thiết thực.
Với quyết tâm không để phụ nữ cảm thấy đơn độc trên hành trình xóa bỏ bạo lực giới, thúc đẩy bình đẳng giới bền vững, cả hệ thống chính trị cùng các tổ chức xã hội đã vào cuộc với nhiều phong trào, mô hình, giải pháp đa dạng, thiết thực.
Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018, Ngôi nhà Bình yên thuộc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ vận hành từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn lực hiện có của Trung tâm. Đây là một trong 3 Ngôi nhà Bình yên trên cả nước, với 2 nhà ở Hà Nội và 1 nhà ở Cần Thơ.
Là cơ quan trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nên Ngôi nhà Bình yên có sự phối hợp hỗ trợ của một hệ thống mạng lưới Hội Phụ nữ các cấp từ trung ương đến địa phương vô cùng mạnh mẽ, thuận tiện trong việc hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng. Nơi đây cung cấp gói hỗ trợ khẩn cấp, toàn diện và miễn phí cho nạn nhân gồm: chỗ trú ẩn an toàn, bảo mật, giúp ổn định tâm lý và sức khỏe, đồng thời trang bị các kỹ năng sống và học nghề để có thể tự tin tái hòa nhập cộng đồng.
Chia sẻ về mô hình này, bà Nguyễn Ngọc Trân, phụ trách Ngôi nhà Bình yên- khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, từ khi tiếp nhận trường hợp đầu tiên vào năm 2018, đến nay, Ngôi nhà Bình yên ở Cần Thơ đã có 87 trường hợp lưu trú và cần sự hỗ trợ của cộng đồng, trong đó quá nửa là bị bạo lực. Cơ sở này đã tổ chức các buổi tham vấn tâm lý cho các nạn nhân, khoảng 2 lần/tuần với mỗi người. Đến nay, đã có 636 người nhận được tham vấn từ đội ngũ chuyên gia ở Cần Thơ.
Tương tự, Ngôi nhà Ánh dương, do Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) phối hợp cùng các đối tác quốc tế thành lập. Hiện nay, có 4 Ngôi nhà Ánh dương trên cả nước, đặt tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Mô hình này cung cấp các dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm chăm sóc sức khỏe, tư vấn, nơi tạm lánh an toàn, trợ giúp pháp lý, v.v., theo nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm. Ngôi nhà Ánh Dương đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 60 người bị bạo lực giới tại Ngôi nhà và gần 1.100 người bị bạo lực giới tại cộng đồng. Tổng đài của các Ngôi nhà đã tiếp nhận hơn 20.000 cuộc gọi từ người bị bạo lực.
Không lấy người bị bạo lực làm trung tâm như hai mô hình trên, Câu lạc bộ "Nam giới tiên phong phòng ngừa ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em" là một trong những mô hình hoạt động được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng duy trì lại huy động sự vào cuộc của nam giới trong vấn đề nhức nhối này. Và đây là một phần của Dự án huy động cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại thành phố Đà Nẵng do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng phối hợp triển khai, từ năm 2014 đến nay.
Từ 4 câu lạc bộ thí điểm tại Hải Châu và Hòa Vang, đến nay đã nâng lên thành 20 câu lạc bộ ở Đà Nẵng và hiện đang lan tỏa, hình thành ở nhiều địa phương trên cả nước. Các câu lạc bộ đã tạo ra những diễn đàn tại cộng đồng dân cư, giúp các thành viên câu lạc bộ thảo luận những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và bạo lực với phụ nữ mà nam giới phải đối mặt trong cuộc sống, đồng thời nâng cao nhận thức, kỹ năng cho nam giới trong việc duy trì quan hệ lành mạnh và giải quyết mâu thuẫn phi bạo lực, phát triển bản thân và thể hiện nam tính tích cực. Các thành viên trong câu lạc bộ là những "hòa giải viên," "tuyên truyền viên" tích cực nhằm làm thay đổi nhận thức, hành vi, hướng tới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Thu được nhiều kết quả trong hoạt động bảo vệ nạn nhân bạo lực giới cũng như tạo ra được một phong trào rộng khắp thúc đẩy bình đẳng giới, song Ngôi nhà Bình yên, Ngôi nhà Ánh Dương hay Câu lạc bộ "Nam giới tiên phong phòng ngừa ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em" vẫn gặp phải những tồn tại, hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến việc duy trì lâu dài, bền vững của các mô hình này.
Theo bà Nguyễn Ngọc Trân, phụ trách Ngôi nhà Bình yên- khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính, bởi gói dịch vụ toàn diện của Ngôi nhà Bình yên được coi là một dịch vụ "đắt đỏ". Công tác hỗ trợ và chăm sóc đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi ngân sách dành cho các hoạt động còn hạn chế. Thêm vào đó, phạm vi tiếp cận thông tin của cộng đồng về các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực giới vẫn còn là một rào cản. Các nạn nhân thường ngần ngại hoặc không biết phải tìm đến đâu để nhận sự trợ giúp. Ngoài ra, việc tái hòa nhập cộng đồng của các nạn nhân mua bán người sau khi rời khỏi Ngôi nhà Bình yên cũng gặp không ít khó khăn do thiếu sự hỗ trợ bền vững và tình trạng kỳ thị xã hội.
"Chúng tôi đề xuất cần tăng cường nguồn lực cho các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới. Cần có các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho nhân viên, tình nguyện viên để cải thiện chất lượng dịch vụ. Việc tuyên truyền rộng rãi về các dịch vụ hỗ trợ và nâng cao nhận thức cộng đồng là điều rất quan trọng để giúp các nạn nhân biết đến nơi hỗ trợ kịp thời", bà Trân cho hay.
Mô hình Câu lạc bộ "Nam giới tiên phong phòng ngừa ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em" lại đối mặt với thách thức lớn là làm sao thu hút được nhiều đối tượng nam giới trẻ tuổi. Bởi đây là nhóm đối tượng có tính cơ hữu cao, thường xuyên đi làm ăn xa nhà, đang ở độ tuổi lao động tích cực. Thực tế cho thấy, tại nhiều mô hình ở Đà Nẵng, có nơi gần như vắng bóng sự hiện diện của các nam thanh niên.
Khẳng định mô hình này cũng như Dự án huy động cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại thành phố Đà Nẵng nói chung là một sáng kiến "rất tuyệt vời", song theo Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, lâu nay, công tác bình đẳng giới tập trung vào phụ nữ mà thực chất phải là cả phụ nữ và nam giới. Thu hút được nam giới là một việc làm rất khó khăn. Nếu các Câu lạc bộ nam giới thu hút được lực lượng nam thanh niên tham gia các hoạt động bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái, chắc chắn những thay đổi sẽ bền vững, xuyên thế hệ, mang lại bình đẳng giới thực chất./.
Bài tiếp theo: Chế tài mạnh, thực thi nghiêm