Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Hòa Bình dự kiến đến hết tháng 9/2023 mới đạt 20% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp so với bình quân cả nước.
TTXVN - Theo Kế hoạch vốn đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3/12/2022 là 10.090,9 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh Hòa Bình thông qua là 10.220 tỷ đồng. Đến ngày 6/9/2023, UBND tỉnh Hòa Bình đã phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án là 10.220 tỷ đồng. Ước thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công hết tháng 9/2023 chỉ đạt 2.054,8 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và kế hoạch UBND tỉnh giao chi tiết.
Nguyên nhân chủ yếu là nguồn thu sử dụng đất chưa bảo đảm kế hoạch được duyệt, nên chưa có nguồn bố trí cho các dự án. Cùng đó, các dự án khởi công mới chậm hoàn thành thủ tục đầu tư, thủ tục đấu thầu và lựa chọn nhà thầu nên chưa đủ điều kiện thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn được giao và một số dự án đang điều chỉnh dự án.
Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Hòa Bình là thấp so với bình quân cả nước. Vì vậy, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, các sở, ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu giải ngân đạt trên 90% kế hoạch vốn đầu tư công được giao.
Dự án trọng điểm đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) có tổng mức đầu tư 4.120 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Hòa Bình là 1.620 tỷ đồng. Quy mô đầu tư được chia làm 2 đoạn tuyến (đoạn Km0-Km32 từ Hòa Bình đến Kim Bôi và đoạn Km 0-19 từ Hòa Bình đến Đà Bắc).
Giai đoạn 1 dự án (Km0-Km32 từ huyện Kim Bôi đến nút giao với cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình) đã khởi công từ ngày 26/2/2023. Đến nay, kế hoạch vốn được giao trên 1.025,3 tỷ đồng; trong đó, năm 2023 đã giải ngân được 510/1.025,3 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án này còn phải giải ngân khoảng 500 tỷ đồng. Dự án đang gặp khó khăn thủ tục chuyển đổi đất lúa, đất rừng; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư ở một số nơi còn gặp nhiều khó khăn chưa được giải quyết…
Ông Bùi Ngọc Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình cho biết, nếu đến tháng 11/2023, dự án có sự chấp thuận của Chính phủ về chuyển đổi đất rừng, đất lúa sẽ có khả năng giải ngân được 98% kế hoạch vốn. Trong khoảng 500 tỷ đồng phải giải ngân, có khả năng phần xây lắp sẽ giải ngân khoảng 200 tỷ đồng, còn 300 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng.
Để bảo đảm kế hoạch giải ngân, ông Tâm đề nghị các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, trước mắt trong phạm vi không phải chuyển đổi đất rừng, đất lúa. Các sở, ngành sớm trình cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi. Đối với các công trình điện còn vướng mắc, nếu giải quyết tốt có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Phân tích nguyên nhân có thể thấy, chương trình mục tiêu quốc gia có tỷ lệ giải ngân năm 2023 thấp do số vốn giải ngân của các chương trình chủ yếu thuộc kế hoạch vốn kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân từ năm 2022 sang năm 2023. Những dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) có tỷ lệ giải ngân thấp hoặc chưa thể giải ngân do gặp vướng mắc trong việc thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Các dự án đầu tư công, đặc biệt là việc khai thác đất đắp cho các công trình giao thông, một số dự án gặp khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu đất đắp nền đường (đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối Quốc lộ 6; Đường Liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La…); một số dự án có khối lượng đất đào nền vận chuyển đi rất lớn, làm tăng dự toán xây dựng công trình (Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 436).
Một số dự án gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng chủ yếu là vướng mắc về đơn giá và phương án bồi thường còn chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành. Dự án lĩnh vực giao thông sử dụng vốn ngân sách Trung ương từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (4.650 tỷ đồng) mới được giao chi tiết kế hoạch vốn ngày 6/9/2023 và đang thực hiện các bước hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa thể thực hiện giải ngân…
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, theo kế hoạch đến 30/9/2023, phải giải ngân 60% và đến cuối năm phải giải ngân từ 85-90% kế hoạch vốn năm 2023. Qua đó, các chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị, địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, các thủ tục liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phấn đấu hoàn thành 90% kế hoạch vốn đầu tư được giao.
UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã yêu cầu, đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vào tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Đối với các dự án gặp khó khăn vướng mắc chưa thể triển khai thực hiện giải ngân ngay hoặc dự án đã hoàn thành không sử dụng hết kế hoạch vốn được giao, UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (lần 1) với tổng số vốn là 76,6 tỷ đồng và đang tiếp tục thực hiện rà soát, điều chỉnh vốn trong tháng 9/2023. Tổ công tác giải ngân vốn đầu tư công thực hiện kiểm tra, đôn đốc, kịp thời đề xuất phương án giải quyết khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công của các công trình dự án./.
- Từ khóa:
- Hòa Bình
- vốn đầu tư công
- giải ngân dự án