Xây dựng Đảng

Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đối thoại với cán bộ cấp phòng và chuyên viên khối cơ quan tỉnh

Hội nghị nhằm thống nhất về nhận thức, quan điểm, khát vọng vươn lên của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đưa Nghệ An thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.

Đây là lần thứ hai kể từ năm 2019, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội nghị đối thoại. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

TTXVN - Ngày 11/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên trong khối các cơ quan tỉnh.

Dự Hội nghị có hơn 800 đại biểu là lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên tại điểm cầu cấp tỉnh, hơn 5.000 cán bộ, đảng viên khối các cơ quan tỉnh tham dự tại 33 điểm cầu trực tuyến ở cơ sở.

* Nhiều vấn đề đặt ra

Tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, Hội nghị nhằm thống nhất về nhận thức, quan điểm, khát vọng vươn lên của đội ngũ cán bộ, đảng viên và chuyển tải ý chí, quyết tâm chính trị của Thường trực Tỉnh ủy thực hiện hoàn thành cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, đưa Nghệ An thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.

Qua khảo sát, đã có 2.065 ý kiến của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo cấp phòng, công chức, viên chức, người lao động trong khối các cơ quan tỉnh và doanh nghiệp, người dân trên địa bàn, tham gia đánh giá về thực trạng, đề xuất kiến nghị về phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị. Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến nhóm vấn đề này.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu nêu câu hỏi, sự phát triển của tỉnh chưa đạt được như kỳ vọng, đề nghị Thường trực Tỉnh ủy trao đổi, làm rõ cơ sở cho sự phát triển của địa phương, lĩnh vực ưu tiên và giải pháp thời gian tới?

Các đại biểu là lãnh đạo quản lý cấp phòng đã đặt nhiều câu hỏi với Thường trực Tỉnh uỷ Nghệ An. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Trưởng phòng Công nghiệp, Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An Hồ Văn Quỳnh cho rằng nguồn lao động tại Nghệ An dồi dào song chất lượng lao động phổ thông chưa cao, lao động có tay nghề còn hạn chế… Thường trực Tỉnh ủy có giải pháp nào để lãnh đạo hệ thống chính trị khắc phục tình trạng này?

Chánh Văn phòng Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Phan Nguyễn Quốc Khánh nêu thực trạng, điểm nghẽn thời gian qua đều liên quan đến công tác cải cách hành chính. Vậy quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy đối với nhận định này thế nào và quyết tâm chính trị trong thời gian tới được đề ra thế nào?

Trưởng phòng Dân tộc, Tôn giáo (Ban Dân vận Tỉnh ủy) Nguyễn Đức Hoài nêu vấn đề liên quan đến mở rộng địa giới hành chính, không gian đô thị thành phố Vinh và thực trạng không gian thành phố Vinh vẫn chật hẹp... Thường trực Tỉnh ủy sẽ có những chủ trương, định hướng thế nào?

Trưởng phòng Thông tin, báo chí, xuất bản (Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An) Trần Anh Tuấn cho rằng chỉ số PCI của tỉnh năm 2022 là nỗ lực đáng ghi nhận của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành của tỉnh. Ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy như thế nào để thời gian tới, chỉ số PCI của tỉnh tiếp tục được thăng hạng?

Thường trực Tỉnh ủy đã đặt những tình huống, câu hỏi cụ thể gắn với thực tế công việc tại cơ quan, đơn vị trong khối, đề nghị lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên trả lời tại Hội nghị.

* Đổi mới để phát triển

Tại Hội nghị, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã thẳng thắn trao đổi, trả lời nhiều ý kiến phát biểu, câu hỏi của các đại biểu.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý cho rằng, không gian thành phố Vinh đã trở nên chật hẹp, chính vì vậy Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định việc mở rộng không gian thành phố.

Cụ thể là điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số hiện có của thị xã Cửa Lò, 4 xã (Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong) về thành phố Vinh. Phương này được Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua và đang thực hiện theo lộ trình quy định để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, Nghệ An là tỉnh đông dân, có khoảng 1,6 triệu lao động, tuy nhiên lao động phổ thông chiếm tỷ trọng lớn, tỷ lệ qua đào tạo chỉ có 60-70%. Hiện nay, nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn rất lớn, khoảng hơn 80.000-100.000 người, nhưng hàng năm tỉnh chỉ cung cấp được khoảng 45.000 lao động.

Thời gian tới, tỉnh tăng cường công tác đào tạo; phối hợp với nhà đầu tư, cơ sở đào tạo để đào tạo theo nhu cầu; tổ chức hoạt động kết nối cung - cầu lao động…

Thường trực Tỉnh ủy thống nhất đánh giá, thời gian qua, công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện qua nhiều chỉ số, trong đó có chỉ số PCI, đều tăng vượt bậc. Nghệ An lọt vào top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, kết quả tích cực này không được duy trì nếu tỉnh không tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nêu rõ, yêu cầu cải cách hành chính phải đúng tinh thần: Nhanh - đúng - hiệu quả; trong giải quyết thủ tục hành chính phải hạn chế giải thích, giải trình, tăng cường giải pháp, giải quyết.

Tỉnh xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, vi phạm, nhưng sẽ có giải pháp động viên, quan tâm cán bộ năng động, sáng tạo, trách nhiệm để công tác cải cách hành chính chuyển biến tốt hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông cho biết, năm 2022, chỉ số PCI của tỉnh đạt điểm tuyệt đối, cao nhất từ trước đến nay, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 3 khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, để nâng cao chỉ số PCI cần tiếp tục phát huy, củng cố kết quả đạt được thời gian qua; xác định chính xác, đầy đủ nguyên nhân dẫn đến điểm nghẽn ở các chỉ số thành phần, tập trung giải quyết, cải thiện tăng chất lượng chỉ số thành phần về tiếp cận đất đai thông qua tăng chất lượng quy hoạch, sử dụng đất để vừa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, phù hợp quy hoạch tổng thể của địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức khối các cơ quan tỉnh là cơ quan đầu ngành, đầu não, có chức năng tham mưu trong việc lãnh đạo, quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong khối có ảnh hưởng rất lớn, quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị và sự vận hành kinh tế-xã hội của tỉnh. Đây là đội ngũ “tinh hoa”, “tinh anh” của tỉnh, có trình độ học vấn cao và đồng đều nhất.

Qua nắm bắt thông tin, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, từ lãnh đạo đến chuyên viên còn dè chừng, thiếu kiên quyết, quyết tâm trong tham mưu, xử lý công việc. Biểu hiện sợ sai, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm, không dám quyết, không dám làm; đùn đẩy, né trách nhiệm; có những việc trong thẩm quyền nhưng vẫn gửi hồ sơ lòng vòng xin ý kiến nhiều cơ quan.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đề nghị đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khối cơ quan tỉnh cần tập trung nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Chuyên môn phải vững, sâu; tham mưu có chất lượng. Cán bộ, công chức, viên chức chịu khó học, chịu khó lắng nghe, đi cơ sở. Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp nhịp nhàng trong nội bộ từng cơ quan và giữa các cơ quan; tránh vòng vo, xin ý kiến trong khi thuộc thẩm quyền của mình...

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe, chia sẻ, đánh giá khách quan phẩm chất, năng lực, kể cả những sai sót nếu có nhưng vì mục tiêu chung để xử lý, giải quyết phù hợp, hiệu quả. Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiêm túc, mạnh dạn điều chuyển, kể cả lãnh đạo đến chuyên viên ở những nơi trì trệ, ì ạch, nhũng nhiễu, phiền hà, có phản ánh, dư luận, qua rà soát, xác minh là đúng…/.

Nguyễn Văn Nhật

Xem thêm