Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của cả Quân đội và Công an đã được được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, quần chúng nhân dân, dư luận xã hội hết sức quan tâm.
(TTXVN) Ngày 27/12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Tổ Công tác liên ngành, Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, chủ trì Hội nghị.
Thông tin về một số kết quả thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, tính đến nay, Bộ Quốc phòng đã triển khai 520 lượt sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại 4 phái bộ (bao gồm cả Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Trung Phi) và Trụ sở Liên hợp quốc. Trong đó, hằng năm duy trì 25 sỹ quan hoạt động độc lập và 247 cán bộ, nhân viên của hai đơn vị (Đội Công binh và Bệnh viện dã chiến cấp 2).
Các lực lượng tham gia hoạt động đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, được lãnh đạo Liên hợp quốc, chỉ huy phái bộ, sỹ quan quân đội các nước và chính quyền nước sở tại đánh giá cao. Trong đó, Đội Công binh số 1 của Việt Nam được triển khai từ tháng 5/2022, ngay sau 3 tháng làm nhiệm vụ đã được Chỉ huy phái bộ đánh giá là “làm thay đổi diện mạo của phái bộ tại khu vực Abyei”.
Trong năm 2022, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Văn phòng Thương trực Tổ Công tác liên ngành, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, như: Tổ chức Lễ xuất quân của Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4; tổ chức Đoàn Công tác liên ngành đi kiểm tra lực lượng Việt Nam tại Phái bộ UNISFA; đón Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động hòa bình Liên hợp quốc đến thăm Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và cùng với lãnh đạo Bộ Quốc phòng đồng chủ trì Hội nghị quốc tế “Phụ nữ với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc” tại Hà Nội...
Năm 2022, Việt Nam lần đầu tiên đảm nhận cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm gìn giữ hòa bình khu vực châu Á-Thái Bình Dương (AAPTC). Bộ Quốc phòng đã tổ chức thành công Hội nghị các Trung tâm gìn giữ hòa bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 18 quốc gia và 8 tổ chức quốc tế đến trực tiếp tham dự tại Hà Nội.
Về công tác triển khai lực lượng, lần đầu tiên Việt Nam triển khai thành công Đội Công binh số 1 với quân số và khối lượng trang thiết bị lớn tới Phái bộ UNISFA và 2 sỹ quan đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi, đảm bảo an toàn tuyệt đối; đồng thời, triển khai nhiều vị trí mới như Sỹ quan Hậu cần, Sỹ quan Quân lương, Sỹ quan Điều phối quân-dân sự, Sỹ quan Công binh công trình...
Nhấn mạnh việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc năm 2022 của lực lượng Quân đội và Công an đã tiếp tục phát huy được truyền thống của những năm qua và thực sự là một điểm sáng trong đối ngoại đa phương của Đảng, Nhà nước và đối ngoại quốc phòng, đối ngoại công an, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho rằng, những kết quả đạt được đã góp phần tiếp tục khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế khi có đủ các loại hình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, cả về hình thức cá nhân và đơn vị, trong đó có các vị trí trọng yếu như ở Trụ sở Liên hợp quốc hay Sỹ quan Tham mưu chỉ huy tác chiến tại các phái bộ.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đánh giá, có ba dấu ấn mà lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc của Việt Nam đã để lại trong năm 2022.
Thứ nhất là lần đầu tiên lực lượng Quân đội và lực lượng Công an có những loại hình mới để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó đối với Quân đội là lực lượng Công binh.
Thứ hai là hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của cả Quân đội và Công an đã được được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, quần chúng nhân dân, dư luận xã hội hết sức quan tâm, cho thấy đây tuy là một lĩnh vực có thời gian triển khai chưa dài nhưng đạt hiệu quả rất tích cực.
Thứ ba, những đóng góp của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã được lãnh đạo Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là chỉ huy các phái bộ đặc biệt ghi nhận, đánh giá cao.
Theo Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến, đây đều là những dấu ấn tự hào, cần tiếp tục được lan tỏa và phát huy trong thời gian tới.
Về phương hướng thực hiện nhiệm vụ năm 2023, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đề nghị các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp lý về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bao gồm sơ kết Nghị định 162 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với các tổ chức của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; chuẩn bị tốt cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 và Đội Công binh số 2 cũng như các sỹ quan hoạt động độc lập đi luân phiên, thay thế theo đúng kế hoạch; thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Đội Công binh số 3 để chuẩn bị, huấn luyện, triển khai luân phiên thay thế.
Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong Quân đội, đặc biệt là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Tư lệnh Công binh, Bệnh viện Quân y 175... chủ động nguồn nhân lực, kiện toàn tổ chức biên chế, tập trung cho huấn luyện, mua sắm trang thiết bị, làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, nhất là công tác tư tưởng, chính sách hậu phương quân đội cho các cá nhân sẽ triển khai tại phái bộ; chủ động chuẩn bị và tháo gỡ khó khăn trong dự trữ về thuốc, vật tư y tế, sửa chữa trang thiết bị cho các đội hình đơn vị tại các phái bộ, theo đó hằng năm có thể cử cán bộ kỹ thuật kết hợp với cán bộ lãnh đạo chỉ huy sang thăm và phối hợp sửa chữa trang bị cho các đội hình đơn vị.../.