Xã hội

Tiền Giang chủ động ứng phó, xử lý sạt lở

Tiền Giang

Tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển trên địa bàn Tiền Giang đang ngày càng diễn biến phức tạp, tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Hiện trạng sạt lở bờ sông Ba Rày, huyện Cai Lậy. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

TTXVN - Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 78 điểm sạt lở mới với chiều dài khoảng 12.755m, kinh phí xử lý khoảng trên 197,5 tỷ đồng. Huyện Cái Bè nhiều nhất với 36 điểm, chiều dài 5.751m; huyện Châu Thành 21 điểm, chiều dài 4.160m; huyện Cai Lậy 7 điểm, chiều dài 255m, còn lại ở các địa phương khác.

Trước mắt, Tiền Giang xử lý 65 điểm với chiều dài 11.735m, kinh phí tạm tính trên 131,6 tỷ đồng. Còn lại 13 điểm sạt lở mới tổng chiều dài 1.020m, tổng kinh phí trên 65,8 tỷ đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp cùng các ngành, địa phương lập hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt thực hiện xử lý trong thời gian sớm nhất.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn cho biết thêm, giai đoạn 2020 - 2023, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, Tiền Giang đã đầu tư trên 821,2 tỷ đồng, xử lý khắc phục 447 điểm sạt lở bờ sông rạch, tổng chiều dài trên 40.000m. Các công trình đang phát huy hiệu quả phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, giúp người dân an cư lạc nghiệp, ổn định sản xuất và đời sống.

Ngoài ra, từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và vốn đối ứng của tỉnh, Tiền Giang đang đầu tư trên 745 tỷ đồng, triển khai 6 dự án khắc phục sạt lở bờ sông, biển gồm: Bờ kè sông Ba Rày (thị xã Cai Lậy); xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (Đoạn 3), xã Tân Phong, huyện Cai Lậy; kè chống sạt lở Cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông); nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2); bố trí ổn định dân cư khẩn cấp khu vực sạt lở nguy hiểm xã Tân Phong, huyện Cai Lậy; bố trí ổn định dân cư khẩn cấp khu vực sạt lở nguy hiểm xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo.

Ông Nguyễn Văn Mẫn đánh giá, tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển trên địa bàn Tiền Giang đang ngày càng diễn biến phức tạp, tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Nặng nhất là khu vực các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây nằm về đầu nguồn sông Tiền của tỉnh, vùng ven biển Gò Công thuộc địa bàn các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông...

Theo lãnh đạo huyện Cái Bè, tuyến kênh 28 qua địa bàn huyện xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 3.760m ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản và nhà cửa của 1.350 hộ dân đang sinh sống ven kênh, 810ha đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Ông Phan Văn Chí, nhà dọc tuyến kênh 28 (ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp) luôn sống trong cảnh lo sợ sạt lở. Ông kiến nghị chính quyền các cấp đầu tư kè chống sạt lở để bà con yên tâm sản xuất, đi lại thuận tiện.

Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Thành (huyện Cái Bè) Trần Hữu Thanh cho biết, đoạn kênh 28 chảy qua địa bàn xã xảy ra 20 điểm sạt lở, trong đó đã xử lý khắc phục được 11 điểm. Còn lại 9 điểm sạt lở nặng đang chờ cấp trên hỗ trợ xử lý khắc phục. Nhiều điểm rất nghiêm trọng như tại bờ Đông kênh 28 qua địa bàn ấp Hữu Vinh dài khoảng 50m, cắt đứt tuyến đường giao thông liên xã. Việc đi lại của người dân rất khó khăn.

Do sạt lở, nhiều nhà dân đã phải di dời, một bộ phận cơ sở hạ tầng, đất đai, vườn tược của người dân bị sụp đổ xuống sông, gây thiệt hại rất lớn.

Sông Phú An chảy qua địa bàn xã Phú An, huyện Cai Lậy gần đây xảy ra nhiều điểm sạt lở rất nghiêm trọng. Bí thư Đảng ủy xã Phú An Phạm Công Trang cho biết, trên tuyến sông Phú An hiện có 7 điểm sạt lở dài khoảng 300m, trong đó có hai điểm sạt lở nghiêm trọng, mỗi điểm dài khoảng 120m, một điểm ở ấp 6, bờ Tây sông Phú An và một điểm ở ấp 3 phía bờ Đông sông Phú An. Các điểm trên đang chờ cấp trên hỗ trợ xã đầu tư xử lý. Ngoài ra, còn có 14 điểm có nguy cơ sạt lở tiếp trong thời gian tới.

Nguyên nhân do tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt cũng như ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết và thủy văn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, tác động của con người với các hoạt động phát triển sản xuất - kinh doanh và những tác nhân khác khiến tình hình sạt lở tại Tiền Giang thời gian qua diễn biến phức tạp, khó lường.

Trước thực trạng trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cấp, ngành tích cực rà soát, kiểm tra, phân loại mức độ ưu tiên khắc phục những điểm sạt lở theo phân cấp quản lý trên cơ sở huy động tốt nguồn lực địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác cũng như tranh thủ sự hỗ trợ Trung ương để xử lý sạt lở một cách căn cơ, mang lại hiệu quả, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Địa phương chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó, phòng, chống sạt lở, bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân cũng như bảo vệ tốt công trình kiến thiết hạ tầng nông thôn. Theo phân cấp, những điểm sạt lở nhỏ do xã đầu tư khắc phục, điểm lớn hơn do cấp huyện đầu tư và các điểm phức tạp tỉnh đầu tư khắc phục.

Tỉnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân chủ động ngăn ngừa sạt lở thông qua việc trồng cây chắn sóng, chắn gió, nuôi lục bình gây bồi, tạo bãi, hạn chế nguyên nhân đưa đến sạt lở bảo vệ vườn cây, nhà cửa, khu dân cư. Ngành chức năng kiên quyết xử lý trường hợp xây cất xâm hại hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi, lấn chiếm bờ sông, bờ kênh rạch...; tiến tới xây dựng quy chế bảo vệ, khai thác hệ thống kênh, rạch trên địa bàn một cách hợp lý, hiệu quả bền vững./.

Minh Trí

Xem thêm