Tỉnh Điện Biên tiếp tục kêu gọi, vận động các nguồn lực ủng hộ, hỗ trợ xây dựng trường, lớp học bán trú cho học sinh khu vực đặc biệt khó khăn, vùng cao, biên giới, hỗ trợ sinh kế và cung cấp nước sạch nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" và “Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” đang được các địa phương nỗ lực thực hiện với nhiều biện pháp hiệu quả.
* Điện Biên tiếp nhận 50 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo
Chiều 2/1, tỉnh Điện Biên tổ chức tiếp nhận 50 tỷ đồng do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ủng hộ để thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Phạm Văn Thanh cho biết, Tập đoàn ủng hộ Điện Biên 50 tỷ đồng để xây dựng 1.000 căn nhà cho các gia đình hộ nghèo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cảm ơn sự quan tâm của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Xăng dầu Điện Biên. Từ năm 2021 đến nay, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Công ty Xăng dầu Điện Biên đã hỗ trợ làm 28 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trường học, nước sinh hoạt, đường điện chiếu sáng, nhà văn hóa, đường giao thông, ủng hộ phòng, chống dịch bệnh, thiên tai với tổng số tiền trên 5,4 tỷ đồng.
Từ ngày 13/5/2023 đến nay, tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận trên 575 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ xây dựng làm 6.049 nhà cho hộ nghèo và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Qua đó, giúp đồng bào các dân tộc ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh...
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trong năm 2025; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện lưới nông thôn theo Chương trình “Bừng sáng Điện Biên”. Đồng thời tiếp tục kêu gọi, vận động các nguồn lực ủng hộ, hỗ trợ xây dựng trường, lớp học bán trú cho học sinh khu vực đặc biệt khó khăn, vùng cao, biên giới, hỗ trợ sinh kế và cung cấp nước sạch nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Điện Biên cam kết sẽ quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí được hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, theo quy định và mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.
* Hậu Giang cần 125 tỷ để xóa nhà tạm, nhà dột nát
Ngày 2/1, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Hậu Giang, ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, từ tháng 3/2025, tỉnh triển khai hỗ trợ hộ gia đình xây dựng mới, sửa chữa nhà ở gắn với công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện ở các cấp. Thống kê ban đầu, toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 2.600 nhà tạm, dột nát; trong đó gần 1.600 nhà xây mới và hơn 1.000 nhà sửa chữa. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện xóa nhà tạm, dột nát tại tỉnh là hơn 125 tỷ đồng.
Các gia đình tiến hành khởi công, hoàn thành công trình; chính quyền địa phương nghiệm thu và bàn giao, đưa công trình vào sử dụng. Phấn đấu đến hết tháng 8/2025, tỉnh thực hiện hoàn thành công tác hỗ trợ gia đình người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đối tượng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát là gia đình người có công với cách mạng; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn. Điều kiện hỗ trợ là hộ gia đình người có công với cách mạng hiện đang thường trú tại nhà ở là nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng, kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây (trừ những gia đình đã được hỗ trợ theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở).
Hộ gia đình nghèo, cận nghèo có thời gian thường trú ít nhất 1 năm tại địa phương, có tên trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo do UBND cấp xã quản lý tính đến ngày 31/10/2024, có nhà tạm, nhà dột nát (là loại nhà xây dựng bằng các vật liệu tạm thời, dễ cháy, có niên hạn sử dụng dưới 5 năm hoặc không đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung cúng, mái cúng), thiếu diện tích ở, bếp, nhà vệ sinh theo quy định, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng).
Mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh đối với trường hợp xây dựng mới là 60 triệu đồng/hộ và sửa chữa là 30 triệu đồng/hộ./.
- Từ khóa:
- Tiếp nhận
- nguồn lực
- xóa nhà tạm
- nhà dột nát