Xã hội

Tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập

IOM đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong phòng, chống mua bán người, trong đó có việc tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

TTXVN- Theo thông tin từ Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), tổ chức này đã khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các đối tác để đạt được các mục tiêu trong công tác phòng, chống mua bán người, trong đó có bảo vệ, hỗ trợ các nạn nhân; tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình, dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập, để vừa tối đa hóa các nguồn lực hiện có, đồng thời có thể đáp ứng toàn diện, cụ thể các nhu cầu của những người di cư trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương.

Bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam cho hay, tổ chức này đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người. Trong đó, vai trò quan trọng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan, địa phương đối với việc tăng cường quy chế phối hợp công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Bà Park Mi Hyung, Trưởng đại diện Phái đoàn IOM Việt Nam. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Bà Park Mihyung cũng cho hay, mới đây IOM và Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã hoàn thành chuỗi Hội thảo Đánh giá giữa kỳ Kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 trong lĩnh vực bảo vệ nạn nhân. Kết quả cho thấy, các đơn vị tham gia đã tích cực chia sẻ đánh giá việc triển khai và phối hợp công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trong giai đoạn 2021 - 2023; xác định những lĩnh vực cần thúc đẩy hơn nữa trong kỳ sau của Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025.

Liên quan đến sự hỗ trợ của IOM đối với công tác phòng, chống mua bán người, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho hay, Cục đánh giá cao sự đồng hành và hỗ trợ tích cực của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) với công tác phòng, chống mua bán người và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân. Cục và IOM đang hợp tác xây dựng bộ công cụ sàng lọc cùng mô hình hỗ trợ hòa nhập, tập trung vào hỗ trợ sinh kế, cho nạn nhân bị mua bán và người di cư trong tình trạng dễ bị tổn thương.

Theo bà Nguyễn Thuỳ Dương, từ năm 2017, IOM đã hỗ trợ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các đối tác tại các địa phương thử nghiệm nhiều mô hình đa dạng nhằm hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán người, bao gồm mô hình tái hòa nhập cộng đồng thông qua các nhóm tự lực tại Bắc Giang, Thừa Thiên - Huế và Tây Ninh. Mô hình này đã hỗ trợ thành công 179 nạn nhân. Bên cạnh đó, 550 cá nhân đã nhận được sự hỗ trợ từ các mô hình tại Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An.

Để nâng cao hiệu quả của các mô hình tại cộng đồng trong các hoạt động hỗ trợ và chủ động chuyển tuyến để xác định và hỗ trợ nạn nhân, với sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 5 văn phòng hỗ trợ dịch vụ một điểm đến (OSSO) được thành lập tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Cần Thơ và Hậu Giang./.

Linh Đức

Xem thêm