Văn hóa

Tìm cơ chế, chính sách gỡ khó cho các doanh nghiệp văn hóa sáng tạo

Hội thảo “Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hóa sáng tạo” được tổ chức nhằm trao đổi và bàn luận về các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Phương Hà) 

TTXVN - Ngày 26/9, Hội thảo “Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hóa sáng tạo” đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả phối hợp tổ chức với sự tham dự của các nhà nghiên cứu, nghệ sỹ, người thực hành, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo.

Đề dẫn tại hội thảo, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật sáng tạo cùng trao đổi và bàn luận về các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam. Từ đó, các đại biểu đề xuất những gợi mở, giải pháp nhằm nâng cao thúc đẩy hiệu quả thực thi của các cơ chế ưu đãi hiện có, từ đó phát triển mới phù hợp với tình hình thực tiễn của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam.

Theo ông Trần Hoàng, trong khoảng chục năm trở lại đây, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo hiện đang nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 6,02% tổng giá trị gia tăng của các ngành kinh tế năm 2019. Sau hai năm suy giảm (2020 - 2021), các ngành này đã và đang có xu hướng phát triển tốt trở lại với đóng góp 4,04% tổng giá trị gia tăng vào năm 2022. Trong giai đoạn 2018 - 2022, các ngành này đã thu hút 2,9 triệu đến 3,8 triệu người lao động (chiếm 7,1% tổng dân số có việc làm) của cả nước. Năm 2022, số lượng doanh nghiệp văn hóa sáng tạo chiếm 3,1% tổng số doanh nghiệp của cả nước, số lượng cơ sở kinh tế thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa khoảng 70.321 cơ sở.

Được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, với thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa trong những năm tới, tuy nhiên, các ngành này hiện đang gặp phải nhiều khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi chuyên biệt cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong chiến lược này, nhiệm vụ quan trọng là cần xây dựng cơ chế ưu đãi, miễn, giảm thuế, phí phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi nhằm thu hút đầu tư trong, ngoài nước vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trước đó, vấn đề này đã được đặt ra trong Nghị quyết số 33- NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, cụ thể là cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo, thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn.

Ông Trần Hoàng cho biết, trong năm 2023, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả tập trung nghiên cứu, đề xuất những đổi mới về cơ chế ưu đãi chuyên biệt đối với người thực hành, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo ở Việt Nam.

Các ý kiến tại hội thảo đã nêu lên khó khăn của người thực hành, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo; nhận diện một số khó khăn, vướng mắc về thuế, cơ chế, biện pháp để huy động nguồn lực cho công nghiệp văn hóa sáng tạo ở Việt Nam. Các đại biểu nêu kinh nghiệm về một số chính sách thuế và biện pháp, cơ chế nhằm huy động nguồn lực, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa ở nhiều nước trên thế giới; điểm lại cơ chế, chính sách ưu đãi hiện có, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm huy động hiệu quả nguồn lực, thực thi chủ trương, chính sách về xã hội hóa cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam./.

Phương Hà

Xem thêm