Nhiều vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm, các vấn đề về sức khỏe tinh thần, tâm lý học đường chưa được hỗ trợ đúng quy trình, chưa đảm bảo đúng yêu cầu.
(TTXVN)- Ngày 3/11, tại Hà Nội, Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Những vấn đề tâm lý học đường” nhằm hoàn thiện hơn chính sách hỗ trợ tâm lý trong trường học hiện nay. Đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện và các cơ sở điều trị tâm lý tham dự.
Khai mạc Hội thảo, Quyền Viện trưởng Viện Tâm lý học, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Thị Hoa cho biết, những vấn đề tâm lý trong trường học đã được các nhà khoa học, nhà quản lý và giáo dục đặc biệt quan tâm.
Nhiều năm qua, vấn đề tâm lý trường học đã được chú trọng lồng ghép trong các hoạt động của trường học và công tác quản lý giáo dục. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra đến nay, nhiều vấn đề tâm lý liên quan đến trường học, người dạy, người học, gia đình và các bậc phụ huynh đang diễn ra, đặt ra những thách thức mới.
Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 31/2017- BGDĐT về thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho các trường học.
Nhiều vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm, các vấn đề về sức khỏe tinh thần, tâm lý học đường chưa được hỗ trợ đúng quy trình, chưa đảm bảo đúng yêu cầu. Việc quan tâm nghiên cứu và tư vấn hỗ trợ tâm lý học đường đang đặt ra cấp thiết không chỉ đối với ngành Giáo dục và Đào tạo mà còn là trách nhiệm của các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội.
Theo Phó Viện trưởng Viện Tâm lý học, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Hoa, công tác tham vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên trong trường học được các cơ quan quản lý và xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều học sinh phổ thông gặp những vấn đề tâm lý như căng thẳng, lo âu, rối loạn hành vi… nhưng chưa được hỗ trợ, tư vấn kịp thời và thỏa đáng.
Không chỉ học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên gặp những khó khăn tâm lý nhất định như áp lực, kiệt sức nghề nghiệp… nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, hoạt động hỗ trợ tâm lý trong trường học cần được ngày càng chú trọng, nhất là các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng và xã hội về những vấn đề tâm lý trong trường học.
Chia sẻ về thực trạng rối nhiễu tâm lý ở học sinh Trung học Cơ sở, Tiến sỹ Hoàng Thế Hải, Trường Đại học Sư phạm Đại học Đà Nẵng cho rằng, có sự khác biệt về mức độ rối nhiễu tâm lý giữa các học sinh có học lực khác nhau. Cụ thể, học sinh trung bình có mức độ rối nhiễu tâm lý cao hơn so với học sinh yếu.
Học sinh có học lực khá và giỏi có mức độ rối nhiễu tâm lý thấp hơn so với học sinh trung bình. Do đó, Tiến sỹ Hoàng Thế Hải nhận định, học sinh trung bình có khả năng chịu ảnh hưởng của các yếu tố gây rối nhiễu tâm lý nhiều hơn so với học sinh yếu. Học sinh có học lực cao có khả năng ổn định tâm lý tốt hơn và ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây rối nhiễu.
Theo một số báo cáo tại Hội thảo, một tỷ lệ nhỏ học sinh đang phải đối mặt với rối nhiễu tăng động chú ý và các vấn đề liên quan đến bạn bè. Học sinh trường công có tỷ lệ rối nhiễu tâm lý cao hơn so với học sinh ngoài công lập. Học sinh nữ có nguy cơ bị rối nhiễu tâm lý cao hơn so với các học sinh nam. Học sinh lớp 8 và lớp 9 có nguy cơ nhiễu tâm lý cao hơn so với học sinh lớp 6 và lớp 7.
Các đại biểu tại Hội thảo tập trung thảo luận về các chủ đề: Sức khỏe tâm thần; học tập và giáo dục; tâm lý, xã hội và công tác hỗ trợ tâm lý học đường; thực trạng sức khỏe tâm thần của người học và người dạy với những vấn đề như trầm cảm, lo âu, căng thẳng, nỗi sợ bị bỏ lỡ, cảm nhận hạnh phúc, sự hài lòng...
Một số ý kiến nêu đánh giá về năng lực học tập trực tuyến, nhận thức về xâm hại tình dục, giáo dục nhân cách trong trường học, ảnh hưởng của phong cách giáo dục của giáo viên đến lòng biết ơn của học sinh; sự sẵn sàng của giáo viên đối với đổi mới giáo dục...Từ đó, đưa ra các giải pháp tư vấn, tham vấn xây dựng các mô hình hỗ trợ tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên và giáo viên trong các trường học./.