Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 được tính dựa trên công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công...
TTXVN - Tại Phiên họp lần thứ tư, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) đã công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022) và Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 (PAR INDEX 2022). Theo đó, tỉnh Quảng Ninh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu các danh sách này.
* Cắt giảm, đơn giản hóa hàng trăm thủ tục hành chính
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp với nguyên tắc “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, chiến lược, chương trình về cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, đến nay, các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định về kinh doanh, gần 150 quy định chuẩn bị ban hành và cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định của 10 bộ, cơ quan, theo đó phải sửa đổi, bổ sung 197 văn bản quy phạm pháp luật; các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 396 quy định kinh doanh tại 54 văn bản quy phạm pháp luật.
Chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Đến nay, 25,9% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 62,7% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa. Cấu trúc quy trình, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…, với 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử; cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia…
Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 6 triệu tài khoản đăng ký; hơn 186 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 12,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 7,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4,8 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Cổng Thông tin một cửa quốc gia đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành theo cơ chế một cửa với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Việc thí điểm 2 dịch vụ công liên thông “đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí” được tích cực triển khai tại thành phố Hà Nội và Hà Nam. Thủ tục hành chính đã được công khai, minh bạch; tạo thuận lợi cho người dân giám sát. Đến nay, hơn 6.400 thủ tục hành chính đã được công khai.
Đề án 06 được triển khai đã giúp tạo đột phá trong phát triển công dân số, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến nay đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử, kích hoạt trên 6 triệu tài khoản định danh điện tử (VNeID); hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của 13 bộ, ngành, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương.
* Quảng Ninh đứng đầu chỉ số SIPAS 2022
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo đã công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022). SIPAS 2022 được tổng hợp dựa trên mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với 11 nội dung: trách nhiệm giải trình của chính quyền; cơ hội tham gia vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách; chất lượng chính sách; kết quả, tác động của chính sách; việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách; tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức; kết quả dịch vụ; việc cơ quan tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị và việc cung ứng dịch vụ hành chính công.
Theo đó, trên thang điểm 100, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung năm 2022 trong cả nước đạt 80.08%. Trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 5 tỉnh có SIPAS cao nhất là Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương, Thanh Hóa; 5 tỉnh có SIPAS thấp nhất là Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Nam, Cao Bằng, Bình Thuận.
* Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu chỉ số PAR INDEX 2022
Theo Ban Chỉ đạo, Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 (PAR INDEX 2022) được tính dựa trên các nội dung: công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Theo đó, đối với các bộ, ngành, với thang điểm 100, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu danh sách, tiếp đó là Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, với số điểm từ 91.77 giảm dần tới 86.93/100.
5 bộ, ngành có chỉ số PAR INDEX 2022 thấp là: Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao với số điểm từ 81.09 giảm dần tới 72.56/100.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đứng đầu danh sách PAR INDEX 2022 là tỉnh Quảng Ninh, tiếp đến là Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, với số điểm từ 90.10 giảm dần tới 87.54/100; trong khi đó 5 tỉnh xếp cuối bảng xếp hạng là Bắc Ninh, Bình Thuận, Bắc Kạn, Cao Bằng, Phú Yên có số điểm dưới 80/100.
* Có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức
Tại phiên họp, các đại biểu nhận định, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, nhất là những thủ tục hành chính trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước, thủ tục hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư công, phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng, lý lịch tư pháp, tài chính ngân sách; giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư chưa hoàn thành việc thực thi; việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, còn tình trạng làm thay, làm hộ người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Phiên họp đánh giá, công tác chỉ đạo, điều hành phần lớn vẫn theo phương thức truyền thống; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, thiếu chủ động, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức…
Các đại biểu cho rằng, để thúc đẩy công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới, các bộ, ngành đẩy nhanh việc thực thi 19 Nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ của công dân liên quan đến quản lý dân cư; khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính.
Trong quá trình đó, tham vấn, tương tác với các hiệp hội, doanh nghiệp và đối tượng có liên quan đối với các quy định trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời xử lý khó khăn của doanh nghiệp, người dân trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; rà soát đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến; khẩn trương rà soát, đề xuất đầu tư thiết bị, hạ tầng đường truyền; xây dựng quy trình, hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; thúc đẩy tiến độ chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo và tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ…
TTXVN tiếp tục cập nhật thông tin về phiên họp./.