Chính sách và phát triển

Tổ chức khoa học ngoài công lập: Cầu nối đổi mới sáng tạo, thúc đẩy liên kết thị trường

Các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập ngày càng khẳng định vai trò là lực lượng sáng tạo, năng động, đóng góp tích cực vào quá trình xã hội hóa khoa học công nghệ, giáo dục, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức này vẫn gặp không ít khó khăn do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, hạn chế về tài chính và cơ chế hỗ trợ chưa đầy đủ.


Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp nâng cấp chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập”. Sự kiện nhằm đánh giá thực trạng, nhận diện khó khăn, từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực để nâng cao năng lực nghiên cứu, đóng góp chính sách và phát huy vai trò của các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định, trong tiến trình phát triển đất nước, khoa học và công nghệ luôn giữ vai trò trụ cột, đóng góp quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tiến sĩ Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập, với tính linh hoạt, sáng tạo cần tiếp tục khẳng định vai trò là lực lượng nghiên cứu, chuyển giao tri thức và lan tỏa giá trị đổi mới sáng tạo vào đời sống, sản xuất. Trong bối cảnh chuyển đổi số, cần đẩy mạnh truyền thông khoa học, phổ biến kiến thức tới cộng đồng, đồng thời phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chính sách lớn của đất nước.

Theo Tiến sĩ Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập ngày càng khẳng định vai trò là lực lượng sáng tạo, năng động, đóng góp tích cực vào quá trình xã hội hóa khoa học công nghệ, giáo dục, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức này vẫn gặp không ít khó khăn do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, hạn chế về tài chính và cơ chế hỗ trợ chưa đầy đủ.

Tiến sĩ Lê Công Lương đề xuất cần xây dựng chính sách ưu đãi riêng, phù hợp với đặc thù tổ chức ngoài công lập như thuế, đất đai, tín dụng. Đồng thời, sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ theo hướng tạo điều kiện công bằng, minh bạch hơn cho các tổ chức này tham gia hoạt động khoa học. Liên hiệp Hội cũng cần phát huy mạnh mẽ vai trò kết nối, hỗ trợ kỹ thuật, pháp lý và truyền thông cho các tổ chức khoa học thành viên. Về phía các tổ chức, cần chủ động xây dựng mô hình hoạt động bền vững, ứng dụng công nghệ mới, tăng cường liên kết với doanh nghiệp, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để nâng cao hiệu quả đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Quảng cảnh Hội thảo
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Tiến sĩ Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội cho rằng để nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy và hiệu quả hoạt động, cần hoàn thiện thể chế, chính sách và tăng cường điều kiện tiếp cận nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, Liên hiệp Hội cần ban hành quy chế rõ ràng về thành lập và hoạt động của tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc, bao gồm tiêu chí nhân sự, quyền, nghĩa vụ và cơ chế xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, phát huy vai trò chủ quản trong hỗ trợ các tổ chức mở rộng hợp tác, phát triển bền vững và gắn kết với cộng đồng trí thức khoa học công nghệ trên cả nước.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Xuân Quỳnh, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, vai trò trung gian của các tổ chức khoa học công nghệ trong kết nối doanh nghiệp với thị trường, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và tư vấn khoa học là rất quan trọng. Trong thời đại số, các tổ chức này không chỉ cung cấp kết quả nghiên cứu mà còn góp phần hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ và giải pháp ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản pháp lý khiến tổ chức này gặp khó khăn trong thương mại hóa sản phẩm và mở rộng hoạt động. Thạc sĩ Quỳnh đề xuất cần nâng cao địa vị pháp lý cho tổ chức khoa học công nghệ, cho phép đăng ký doanh nghiệp, tham gia hoạt động giáo dục, đào tạo và mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Các đại biểu tập trung thảo luận vào việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao năng lực tổ chức và vị thế pháp lý của các tổ chức khoa học cô g nghệ ngoài công lập. Nhiều ý kiến cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn để các tổ chức này tham gia sâu vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kết nối thị trường và tư vấn chính sách. Đồng thời, đề xuất tăng cường cơ chế phối hợp giữa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng trí thức khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế – xã hội./.

Lý Thị Thanh Hương

Tin liên quan

Xem thêm