Chính sách và phát triển

Ứng dụng AI trong nghiên cứu xã hội: Không thể thay thế vai trò trung tâm của con người

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo không chỉ mang lại những phương pháp và công cụ nghiên cứu mới như phân tích dữ liệu lớn, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, mô hình hóa hành vi, mà còn làm thay đổi căn bản cách tiếp cận, lý giải và phản ánh các hiện tượng xã hội.

Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI): Cơ hội và thách thức đối với nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay” nhằm  nâng cao nhận thức, tạo diễn đàn chia sẻ học thuật, thúc đẩy hợp tác khoa học trong nước và quốc tế, thúc đẩy tư duy đổi mới, sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia. Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học từ các bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học tham dự.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo đang trở thành một trong những đột phá công nghệ chủ đạo của thời đại, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo không chỉ mang lại những phương pháp và công cụ nghiên cứu mới như phân tích dữ liệu lớn, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, mô hình hóa hành vi, mà còn làm thay đổi căn bản cách tiếp cận, lý giải và phản ánh các hiện tượng xã hội. Bên cạnh những tiềm năng to lớn, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu cũng chỉ rõ những thách thức đặt ra trong ứng dụng AI như vấn đề dữ liệu định tính khó chuẩn hóa, nguy cơ sai lệch từ thuật toán, đạo đức nghiên cứu, quyền riêng tư và liêm chính học thuật. Tiến sĩ Phan Chí Hiếu mong muốn, các nhà khoa học tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy vai trò tiên phong trong ứng dụng công nghệ mới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Ảnh: Lý Thanh Hương - TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo đã và đang phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên mà còn khẳng định vai trò ngày càng rõ nét trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Các công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiện nay như GPT-4 đã hỗ trợ hiệu quả trong thu thập, xử lý dữ liệu và mô phỏng chính sách, góp phần nâng cao năng lực dự báo và phân tích hành vi xã hội. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI cũng đặt ra các yêu cầu mới về khung pháp lý, đạo đức nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ và tính minh bạch trong quá trình triển khai. Phó Giáo sư Tạ Minh Tuấn cho rằng cần xây dựng lộ trình phát triển phù hợp, thúc đẩy hợp tác liên ngành, tận dụng nguồn lực AI mã nguồn mở, đồng thời đầu tư cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có năng lực số, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học trong kỷ nguyên số.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hải (Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội) 
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Tham dự hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hải (Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có trách nhiệm trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam. Theo ông, cần thực thi hiệu quả các chính sách hiện hành như Quyết định 127/QĐ-TTg và Hướng dẫn đạo đức AI do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành; đồng thời đẩy mạnh đầu tư cho các nghiên cứu liên ngành giữa Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học và công nghệ. Ông cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện khung pháp lý về AI, thúc đẩy chia sẻ dữ liệu mở gắn với bảo vệ quyền riêng tư, xây dựng hướng dẫn đạo đức ở cấp cơ sở tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc đào tạo nhân lực nghiên cứu và phát triển các công cụ AI sử dụng tiếng Việt chất lượng cao cũng là bước đi cần thiết. Các giải pháp này nhằm giúp Việt Nam vừa khai thác hiệu quả AI, vừa kiểm soát tốt rủi ro, từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững và giàu tính nhân văn trong thời đại số.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra nhiều thách thức pháp lý, đạo đức trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Tiến sĩ Phạm Thị Thúy Nga cho rằng, so với các ngành kỹ thuật, khoa học xã hội nhân văn có đặc thù riêng về phương pháp luận, cách tiếp cận và đối tượng nghiên cứu vốn gắn liền với con người, ngữ cảnh xã hội và giá trị văn hóa. Vì vậy, việc ứng dụng AI trong lĩnh vực này cần có hành lang pháp lý mềm, linh hoạt và kết hợp chặt chẽ giữa pháp luật, đạo đức nghiên cứu và tiêu chuẩn học thuật.

Tiến sĩ Thúy Nga cũng chỉ ra rằng AI dù hỗ trợ hiệu quả trong xử lý dữ liệu, tổng hợp thông tin hay phát hiện mẫu hình, nhưng không thể thay thế vai trò trung tâm của con người trong nghiên cứu. AI không có khả năng hiểu sâu ngữ cảnh, giá trị biểu tượng hay suy luận đạo đức, những yếu tố mang tính bản chất của khoa học xã hội nhân văn. 

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận tổng quan về AI và các ứng dụng hiện đại trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; thực trạng ứng dụng AI tại Việt Nam; cơ hội và thách thức khi tích hợp công nghệ AI vào các ngành nghiên cứu như triết học, xã hội học, tâm lý học, kinh tế học, khảo cổ học, sử học, luật học… Nhiều đại biểu phân tích các vấn đề phương pháp nghiên cứu mới trong kỷ nguyên số, mối quan hệ giữa dữ liệu - công cụ - phương pháp trong nghiên cứu khoa học xã hội, khả năng khai thác dữ liệu mở, khoa học mở, cũng như yêu cầu cấp thiết về khung chính sách, đạo đức AI trong bối cảnh ứng dụng ngày càng sâu rộng. Một số đại biểu đề xuất cần xây dựng lộ trình cụ thể trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu có năng lực ứng dụng AI; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, hướng đến các chương trình nghiên cứu liên ngành, kết nối giữa các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp công nghệ.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu đã trao tặng Bằng khen cho các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

* Nhân dịp này, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu đã trao tặng Bằng khen cho các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học. Đây là sự ghi nhận những đóng góp nổi bật trong hoạt động học thuật và nỗ lực đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam./.

Tin liên quan

Xem thêm