Chỉ đạo, Điều hành

Tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm công bố tài liệu lưu trữ quốc gia"

Thông qua Tọa đàm, Ban tổ chức mong muốn cung cấp thông tin về các nguồn tài liệu lưu trữ; chia sẻ kinh nghiệm công bố phát huy giá trị tài liệu.

Quang cảnh cuộc tọa đàm. (Ảnh: Hải Ngọc/TTXVN)

TTXVN - Ngày 30/6, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức Tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm công bố tài liệu lưu trữ quốc gia". Thông qua Tọa đàm, Ban tổ chức mong muốn cung cấp thông tin về các nguồn tài liệu lưu trữ; chia sẻ kinh nghiệm công bố phát huy giá trị tài liệu. Từ đó đề xuất các giải pháp, hình thức mới trong hoạt động công bố, đặc biệt là xu hướng tiếp cận đối với công chúng trẻ. Trao đổi, mở ra phương hướng hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan Lưu trữ quốc gia, Lưu trữ lịch sử địa phương, các cơ quan văn hóa…

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nhấn mạnh, sự kiện này góp phần phát huy các giá trị của tài liệu quốc gia. Đó là các giá trị về chính trị, lịch sử, văn hóa... nhằm phục vụ xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phát biểu. (Ảnh: Hải Ngọc/TTXVN)

Đây cũng là hoạt động hướng tới việc tổ chức thực hiện Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 24/12/2021. Trong đó, mục tiêu của Chương trình là xác định các nội dung tài liệu đưa ra công bố; biên dịch, xử lý tài liệu tư liệu để phục vụ công bố; nâng cao nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng của xã hội…

Tham gia đóng góp ý kiến tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, sự bùng nổ, phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, cũng như xu thế mở rộng dân chủ xã hội, nhu cầu tiếp cận khai thác các thông tin từ tài liệu lưu trữ ngày càng lớn... đòi hỏi Chính phủ phải chủ động hơn trong việc tạo mọi điều kiện để các cơ quan, tổ chức và công chúng được tiếp cận tài liệu lưu trữ nhiều hơn, đầy đủ hơn và tiện lợi hơn.

Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu cấp bách đối với ngành lưu trữ của Việt Nam về việc phải luôn chủ động, chuẩn bị tài liệu, sẵn sàng công bố, giới thiệu tài liệu nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội trong giai đoạn mới và phục vụ công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Việc chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cung cấp thông tin về các nguồn tài liệu lưu trữ; công bố tài liệu lưu trữ quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng và cần được thúc đẩy.

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Tọa đàm. (Ảnh: Hải Ngọc/TTXVN)

Trên cơ sở chỉ ra những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến công tác lưu trữ tài liệu hiện nay, các đại biểu kiến nghị cần hoàn thiện các văn bản pháp lý về công tác sưu tầm và công bố tài liệu lưu trữ; quy định rõ về hình thức, trình tự, thủ tục, quy trình thực hiện và định mức kinh phí cho công tác này.

Bên cạnh đó cần có chế độ, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho người dân hiến tặng, giao nộp, ký gửi tài liệu vào Lưu trữ lịch sử, nhằm ghi nhận sự đóng góp và khuyến khích việc giao nộp, hiến tặng tài liệu.

Quang cảnh cuộc tọa đàm. (Ảnh: Hải Ngọc/TTXVN)

Ngoài ra cũng cần phải thống nhất và có các quy định cụ thể về các loại hình tài liệu quý hiếm, công bố triển lãm tài liệu, hiện vật thuộc phạm vi của cấp, ngành cụ thể, bởi hiện nay, đang có sự trùng lắp chức năng, nhiệm vụ sưu tầm, triển lãm, công bố, trưng bày giữa các đơn vị: Lưu trữ lịch sử, thư viện, bảo tàng, cơ sở thờ tự…/.

Hải Ngọc

Xem thêm