Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương làm việc tại tỉnh Sóc Trăng
Tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều mô hình tiêu biểu trong phổ biến giáo dục pháp luật như: xây dựng mô hình tiếng loa biên phòng, nông dân với pháp luật, mô hình chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội, diễn đàn công an lắng nghe ý kiến của nhân dân, mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án, tiếng kẻng an ninh…
TTXVN - Chiều 29/6, Đoàn kiểm tra Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương do bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương làm Trưởng đoàn, có buổi kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại tỉnh Sóc Trăng.
Làm việc với đoàn có ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng các sở, ngành là thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh có 15 Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở các huyện, thị xã, thành phố và các Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh.
Tính từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật được 7.361 cuộc, trên 433.000 lượt người dự, cấp trên 175.000 bộ tài liệu về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh thực hiện tốt công tác bồi dưỡng và thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với nhiều hình thức đa dạng, nổi bật, tỉnh tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật” từ năm 2022 đến nay đã thu hút 77.700 thí sinh với 180.000 bài dự thi.
Tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều mô hình tiêu biểu trong phổ biến giáo dục pháp luật như, xây dựng mô hình tiếng loa biên phòng, nông dân với pháp luật, mô hình chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội, diễn đàn công an lắng nghe ý kiến của nhân dân, mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án, tiếng kẻng an ninh…
Bà Phạm Thị Minh Huệ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh có 135 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 371 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.434 tuyên truyền viên pháp luật luôn thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đến nay, 108 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm 99,1%. Năm 2022, tỉnh có 3978 vụ việc hòa giải, trong đó, hòa giải thành chiếm trên 85%; riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận 1782 vụ việc, hòa giải thành đạt 88 %.
Bà Phạm Thị Minh Huệ kiến nghị với Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương ban hành tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách áp dụng cho các địa phương; tiếp tục mở các lớp tập huấn chuyên sâu và đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tại buổi làm việc, bà Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao kết quả mà Sóc Trăng thực hiện đạt được và ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của địa phương. "Tỉnh tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; quan tâm lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật vào các hoạt động chuyên môn sở, ban, ngành nhằm đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật", bà Trương Thị Ngọc Ánh lưu ý.
Tỉnh cần quan tâm chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật hòa giải cơ sở và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa trong thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Trước đó cùng ngày, Đoàn kiểm tra của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã kiểm tra thực tế tại huyện Trần Đề về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật./.
- Từ khóa:
- phổ biến giáo dục pháp luật
- Sóc Trăng