Đổi mới công tác phổ biến pháp luật về văn hóa, thể thao, du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số
Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc”.
TTXVN - Ngày 27/6, tại Hà Nội, Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận về thực trạng và giải pháp đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc hiện nay.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, kết quả khảo sát tại 3 tỉnh biên giới là Hà Giang, Lạng Sơn và Lào Cai về công tác phổ biến giáo dục, pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch cho thấy, với địa bàn vùng dân tộc thiểu số biên giới, các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp vẫn đang được sử dụng và là phương thức chính. Trên địa bàn biên giới, cùng với các hình thức mang tính truyền thống, một số địa phương đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội (nhóm zalo) để truyền tải, phố biến thông tin pháp luật. Đối với vùng dân tộc thiểu số, một số thôn, bản vận động người có uy tín như già làng, trưởng bản… biên tập nội dung, dịch sang tiếng đồng bào dân tộc thiểu số để truyền đạt đến đối tượng phù hợp.
Ông Nguyễn Thanh Sơn đánh giá, với địa bàn dân tộc thiểu số vùng biên giới, nội dung giáo dục pháp luật lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch mặc dù được tăng cường, đẩy mạnh phát triển nhưng chưa thực sự nhận được sự quan tâm của các chủ thể. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc tuyên truyền chưa gắn và liên hệ với phong tục, tập quán, hương ước, quy ước của dân tộc, địa phương. Nội dung tuyên truyền chưa phù hợp, không phong phú, còn qua loa; hình thức tuyên truyền chưa phù hợp…
Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến đóng góp của nhiều đại biểu, đại diện các đơn vị trong Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, các địa phương, các nhà nghiên cứu… về tuyên truyền, phổ biến giáo dục đến với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới.
Bà Trần Thị Bích Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đồng bào cần đơn giản, dễ nghe, dễ hiểu, nói trúng và nói đúng. Đặc biệt, cán bộ tuyên truyền phải hiểu phong tục, tập quán của đồng bào, gắn liền với hương ước, quy ước và đúng với tâm tư nguyện vọng của bà con.
Từ thực tế tại dịa phương, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho rằng, việc tuyên truyền nên áp dụng song song các hình thức, vừa tuyên truyền trực tiếp đến từng đối tượng, vừa sử dụng công nghệ thích hợp với từng đối tượng sử dụng. Việc kết hợp song song các hình thức sẽ góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, các ý kiến tại hội thảo sẽ được tiếp thu, chỉnh lý và bổ sung nhằm làm rõ hơn tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đổi mới tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc, hướng đến mục tiêu phổ biến pháp luật sâu rộng trong đồng bào, góp phần phát huy hiệu quả chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, nhóm nghiên cứu đề tài sẽ báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến tham mưu, đề xuất những chính sách phù hợp hơn đối với đời sống thực tiễn đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên biên giới phía Bắc, đáp ứng yêu cầu phát triển và trở thành phên dậu vững chắc của Tổ quốc./.