Việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, phát hiện sớm, điều trị, hạn chế gia tăng người có nguy cơ, mắc bệnh, tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm, giúp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
TTXVN - Ngày 27/6, tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Trung tâm Y tế tiên tiến Nhật Bản (MEJ), Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 2 về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu hai nước, thảo luận về thực trạng, thách thức, chiến lược kiểm soát, quản lý các bệnh không lây nhiễm trong 3 phiên toàn thể, 4 phiên chuyên đề: Tim mạch, Đột quỵ, Đái tháo đường, Hô hấp.
Hiện nay, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật, tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh biện pháp dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị, hạn chế gia tăng người có nguy cơ, mắc bệnh, tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm, giúp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Chia sẻ kinh nghiệm về chính sách nâng cao sức khỏe tại Nhật Bản, Tiến sỹ, bác sỹ Tokuaki Shobayashi, Cố vấn chính sách y tế cho Bộ Y tế Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Dịch vụ Y tế của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật bản cho biết: Health Japan 21 (nhiệm kỳ thứ hai) là kế hoạch 10 năm bắt đầu từ 2013. Kế hoạch được thực hiện với các chính sách, ý tưởng, mục tiêu cụ thể được đưa vào "Phương hướng cơ bản để thực hiện toàn diện Nâng cao sức khỏe quốc gia", do Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi thành lập theo Điều 7 của Đạo luật nâng cao sức khỏe. Các mục tiêu chính của kế hoạch là: Kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh, giảm bất bình đẳng về sức khỏe; phòng ngừa khởi phát và tiến triển của các bệnh liên quan đến lối sống; duy trì, cải thiện các chức năng cần thiết để tham gia vào đời sống xã hội; xây dựng môi trường xã hội hỗ trợ, bảo vệ sức khỏe; cải thiện thói quen hàng ngày, môi trường xã hội liên quan đến dinh dưỡng và thói quen ăn kiêng, hoạt động thể chất, tập thể dục, nghỉ ngơi, uống rượu, hút thuốc và sức khỏe răng miệng.
Theo Tiến sỹ Tokuaki Shobayashi, mặc dù Nhật Bản đang trở thành một xã hội già hóa nhưng vẫn duy trì tuổi thọ trung bình, tuổi thọ khỏe mạnh cao nhất thế giới. Chiến dịch nâng cao sức khỏe quốc gia đã thành công; sức khỏe là một trong những mối quan tâm lớn nhất với nhiều công dân Nhật Bản. Đặc biệt, không chỉ Chính phủ, các tập đoàn cũng có vai trò trong việc nâng cao sức khỏe nhân dân; những năm gần đây, "quản lý sức khỏe" đã trở thành tâm điểm chú ý.
Thông tin về thực trạng bệnh không lây nhiễm, Tiến sỹ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm là rất lớn. Bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 80% số ca tử vong tại Việt Nam; có 41% số ca tử vong xảy ra trước 70 tuổi. Nguyên nhân tử vong hàng đầu là do bệnh tim mạch, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường. Số người mắc bệnh không lây nhiễm rất lớn, ước tính khoảng trên 20 triệu ca. Tỷ lệ tăng huyết áp và đái tháo đường có chiều hướng gia tăng trong 10 năm qua, đến 2021, tỷ lệ tăng huyết áp là 26% và đái tháo đường là 7%. Các yếu tố dẫn đến bệnh không lây nhiễm ở mức cao là do: hút thuốc, uống rượu, ăn thiếu rau và trái cây, ăn thừa muối, thiếu vận động thể lực. Tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh, trung bình gần 1%/năm. Tình trạng rối loạn lipid máu có chiều hướng tăng cao ở cả hai giới.
Đề xuất giải pháp kiểm soát bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam, Tiến sỹ Trần Quốc Bảo cho rằng cần tiếp cận toàn diện theo hướng vòng đời: nâng cao sức khỏe, thay đổi hành vi, dự phòng nguy cơ cao, phát hiện sớm, quản lý điều trị và chăm sóc liên tục, lâu dài. Các giải pháp chính là: Kiểm soát yếu tố nguy cơ; truyền thông nâng cao sức khỏe, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ; hệ thống giám sát, quản lý thông tin.
Trước tình trạng già hóa dân số hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thị Thanh Huyền, (Bệnh viện Lão khoa Trung ương, giảng viên Đại học Y Hà Nội) cho biết, các bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi là: bệnh mạch vành, đột quỵ, ung thư, thoái khớp, sa sút tâm thần... phải điều trị suốt đời. Chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần người trẻ; người cao tuổi sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc.
Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Phó Giáo sư Vũ Thị Thanh Huyền kiến nghị cần có các nghiên cứu đánh giá nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; từng bước phát triển hệ thống mạng lưới lão khoa; xây dựng giá dịch vụ y tế cho người cao tuổi theo hướng "tính đúng, tính đủ"; có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chăm sóc người cao tuổi.../.