Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống.
TTXVN - Thời gian gần đây, bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch nếu thiếu giải pháp đồng bộ, ngăn chặn hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 250 trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tăng 5,2 % so với cùng kỳ năm 2022, có một trường hợp tử vong (dương tính với Enterovirus 71).
Theo lãnh đạo Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Kiên Giang, số trẻ bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị từ trung tuần tháng 4 đến nay tăng cao so với những tháng trước đó, trung bình mỗi tháng trên dưới 30 ca. Hầu hết phụ huynh có con bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết, các trẻ mắc bệnh đều có chung các dấu hiệu như: Sốt cao, chới với giật mình khi ngủ, quấy khóc không ngủ, bỏ ăn, tay chân miệng nổi dấu chấm đỏ…
Theo các bác sĩ trực tiếp điều trị các ca mắc bệnh tay chân miệng ở Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Kiên Giang, có nhiều trường hợp, phụ huynh không phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, khi con em nóng sốt thì tự mua thuốc cho uống tại nhà, hoặc tự điều trị bằng những bài thuốc dân gian làm cho diễn tiến của bệnh nặng hơn.
Trong số gần 250 ca bệnh tay chân miệng ở trẻ trên địa bàn toàn tỉnh từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Kiên Giang tiếp nhận khám, điều trị nội và ngoại trú cho hơn 180 ca, trong đó có nhiều ca nặng.
Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Kiên Giang Danh Tý khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc trẻ cẩn thận, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh theo khuyến cáo, hướng dẫn của ngành Y tế để bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Phụ huynh thường xuyên theo dõi, chăm sóc trẻ, nếu trẻ sốt thì đưa đến cơ sở y tế khám, chẩn đoán bệnh, không nên tự mua thuốc uống điều trị tại nhà hoặc theo dân gian cho uống cỏ mực hay những thứ khác để hạ sốt.
Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và huyện, thành phố chủ động phối hợp với ngành Y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trên địa bàn tỉnh.
Sở Y tế Kiên Giang theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết. Sở tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong, thực hiện tốt phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Đồng thời, chủ động rà soát các nguồn lực, củng cố hoạt động của các đơn vị, đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống.
Sở Y tế tập huấn cho tất cả nhân viên y tế tại các tuyến, đặc biệt là cán bộ y tế cơ sở, các y, bác sỹ có làm thêm ngoài giờ tại nhà về giám sát, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành giám sát, kiểm tra, hỗ trợ các địa bàn và chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với ngành chức năng, cơ quan báo, đài, hệ thống thông tin cơ sở và các địa phương tăng cường thông tin, truyền thông bằng nhiều hình thức về bệnh tay chân miệng, các biện pháp phòng, chống cho cá nhân, cộng đồng…
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành Y tế tổ chức truyền thông, giám sát, kiểm soát chặt chẽ tại các trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non, nhóm giữ trẻ tập trung, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để tổ chức khám, điều trị kịp thời.../.