Xã hội

Tôn vinh các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn

Giải thưởng Khuê Văn Các lần thứ I năm 2024 được tổ chức 2 năm 1 lần, tôn vinh các nhà khoa học trẻ Việt Nam không quá 35 tuổi đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở trong hoặc ngoài nước có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương và Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy trao giấy chứng nhận và biểu trưng cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam. 
Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Ngày 22/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Lễ trao Giải thưởng Khuê Văn Các lần thứ I năm 2024. Năm nay, giải thưởng Khuê Văn Các tuyên dương 9 nhà khoa học trẻ có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn và 9 ứng viên triển vọng của giải thưởng Khuê Văn Các.

Giải thưởng Khuê Văn Các lần thứ I năm 2024 được tổ chức 2 năm 1 lần, tôn vinh các nhà khoa học trẻ Việt Nam không quá 35 tuổi đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở trong hoặc ngoài nước có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thuộc 6 ngành, liên ngành: ngành Luật học, ngành Giáo dục học, ngành Kinh tế học, ngành Văn hóa - Nghệ thuật, liên ngành Triết học - Chính trị học - Xã hội học và liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học - Nhân học.

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết cho biết, các nhà khoa học trẻ đạt giải thưởng năm nay đều có nhiều thành tích nghiên cứu khoa học, được công bố trong nước và quốc tế, nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học cao, giải quyết các vấn đề thực tiễn của xã hội: từ hoàn thiện chính sách pháp luật, phát triển giáo dục, vấn đề bình đẳng giới, cho đến bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh... Thành tích khoa học mà các nhà khoa học trẻ đạt được hôm nay không chỉ phản ánh sự dấn thân, nỗ lực không ngừng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong học tập, nghiên cứu khoa học, mà còn phản ánh các chủ trương, chính sách phát triển khoa học của Đảng, Nhà nước đã đi vào thực tiễn.

Theo Ban tổ chức, Giải thưởng Khuê Văn Các dành cho các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ra đời không chỉ dừng lại ở việc công nhận những thành tựu về khoa học xã hội và nhân văn, mà còn thể hiện sự kỳ vọng, sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với cộng đồng nhà khoa học trẻ, những người đang trực tiếp nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam.

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết trao chứng nhận cho các ứng viên triển vọng.
Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Sau gần 2 tháng phát động, Trung ương Đoàn đã nhận được 55 hồ sơ (trong đó: 46 hồ sơ hợp lệ, 9 hồ sơ không hợp lệ) được giới thiệu đề cử của 31 cơ quan, đơn vị, các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu trong cả nước và Ban cán sự Đoàn ở nước ngoài.

Đây là lần đầu tiên Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Giải thưởng dành riêng cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khẳng định vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của khoa học xã hội và nhân văn đối với sự phát triển của đất nước.

Là một trong những phụ nữ duy nhất đạt Giải thưởng Khuê Văn Các năm nay, Tiến sĩ Lê Trần Phước Mai Hoàng, giảng viên Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Quản lý công, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cho tới giờ chưa có một giải thưởng nào để tôn vinh, bởi những công trình về lĩnh vực xã hội khó có thể đo lường cụ thể. Sự ra đời của Giải thưởng Khuê Văn Các không chỉ là sự công nhận to lớn cho những cống hiến nỗ lực của các nhà khoa học trẻ, mà còn là sự khích lệ, động viên để chúng tôi tiếp tục cố gắng, phấn đấu hơn nữa”.

Người trẻ nhất nhận giải là Tiến sĩ Lý Viết Trường, 30 tuổi, đang công tác tại Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tiến sĩ Trường là tác giả độc lập của công trình nghiên cứu “Vai trò và vị trí của thầy Tào người Nùng Phàn Slình ở thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn”. Tác phẩm mở ra những hướng đi mới trong việc hoạch định chính sách liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo tại các vùng dân tộc thiểu số. Những kết luận từ nghiên cứu này đã cung cấp cho các nhà làm chính sách những cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng các chính sách phù hợp, giúp duy trì và phát triển các giá trị tín ngưỡng truyền thống mà không gây mâu thuẫn với quá trình hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 55 ứng viên tham gia giải thưởng, 25 người có học vị tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 12 cử nhân và 3 sinh viên. Hầu hết ứng viên đang làm việc tại Việt Nam, 2 người công tác tại Nga và Anh. Xét theo độ tuổi, số ứng viên từ 30 trở xuống chiếm hơn 30%, người nhỏ nhất sinh năm 2004./.

HQ

Tin liên quan

Xem thêm