Văn hóa

Trải nghiệm Tết truyền thống trong các nhà trường

Nghệ An

Nhiều lớp học đã được trang trí nhiều màu sắc và đậm nét cổ truyền; những bài học trải nghiệm về phong tục Tết của người Việt cũng được giới thiệu đến các học sinh.

Gian trưng bày sản phẩm Stem tại Hội chợ xuân trường Tiểu học Hưng Bình (Nghệ An). 
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Những ngày này, các trường học ở Nghệ An tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm Tết truyền thống ý nghĩa. Qua đó, giúp học sinh khám phá, tìm hiểu về nét đẹp phong tục ngày Tết, bồi đắp tình yêu, niềm tựu hào, ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị quý báu của văn hóa dân tộc.

* Ngày hội “Xuân ấm áp - Tết yêu thương”

Ngày hội “Xuân ấm áp - Tết yêu thương” là hoạt động chào năm Ất Tỵ 2025 được mong chờ của cô và trò Trường Tiểu học Hưng Bình (thành phố Vinh) vào dịp đón chào Xuân mới. Chương trình với chuỗi các hoạt động thú vị kéo dài 2 ngày như: Gala văn nghệ đốt lửa trại, chương trình kỹ năng sống làm bánh ngày Tết, trang trí cây mai, cây đào, ngày hội Tiếng Anh với chủ đề "Ngày Tết quê em", gian trưng bày sản phẩm Stem.

Hội chợ Xuân tại trường Mầm non Maple Bear Arita UFO, thành phố Vinh. 
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Một hoạt động nổi bật là phiên chợ ẩm thực với nhiều món ăn do giáo viên, học sinh và phụ huynh các lớp cùng chuẩn bị. Không chỉ khám phá và thưởng thức các món ăn truyền thống, một phần lợi nhuận từ các gian hàng sẽ được quyên góp hỗ trợ học sinh khó khăn trong trường. Cô giáo Nguyễn Thị Mai Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Bình cho biết, trường đặt mục tiêu vận động được 20 triệu đồng để tặng quà Tết cho các học sinh. Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng những chiếc áo ấm, món quà xinh sẽ mang đến niềm vui cho học trò nghèo.

Trước Tết Nguyên đán, nhiều lớp học đã được trang trí nhiều màu sắc và đậm nét cổ truyền. Qua đó, những bài học trải nghiệm về phong tục Tết của người Việt cũng được giới thiệu đến các học sinh.

Các học sinh chụp ảnh với trang phục áo dài truyền thống. 
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Thời tiết se lạnh cuối năm không làm giảm đi sức "nóng", không khí nhộn nhịp của thầy và trò Trường Trung học Phổ thông Lê Viết Thuật tại chương trình Lễ hội “Xuân yêu thương 2025”. Trong khuôn viên sân trường, ngày Tết truyền thống đã được tái hiện sinh động với không gian hội trại, các đồ vật ý nghĩa, phong tục tập quán gắn với nhiều thời kỳ, giai đoạn phát triển của đất nước.

Vui vẻ, háo hức là cảm nhận chung của các học sinh khi được hòa mình vào không khí Tết, tham gia trải nghiệm các phong tục độc đáo của dân tộc. Em Lê Thùy Anh, học sinh lớp 11D1, Trường Trung học Phổ thông Lê Viết Thuật háo hức bày tỏ: “Mỗi năm, trường đều tổ chức hội chợ và trải nghiệm các gian hàng, gói bánh chưng, văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian. Qua mỗi dịp như vậy, chúng em được học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm cũng như hiểu thêm về văn hóa dân tộc”.

Thầy Lê Minh Lương, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Lê Viết Thuật cho biết: “Năm nay, chúng tôi chọn chủ đề “ Tết xưa - Tết nay” nhằm giáo dục các em về Tết xưa của dân tộc, Tết trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, để khi các em trưởng thành, hội nhập với bạn bè quốc tế vẫn nhớ về giá trị cội nguồn của dân tộc. Các em còn được trải nghiệm gói bánh chưng, thi nghệ thuật pha trà. Bánh chưng và lợi nhuận của các gian hàng sẽ dành để tặng quà cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Giờ đây, Tết còn là sự yêu thương, sẻ chia với những người bạn khó khăn, mong muốn ai cũng có một cái Tết ấm áp, đủ đầy”.

Cô giáo giới thiệu về phong tục Tết của người Việt với học sinh. 
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

* Giáo viên nước ngoài yêu Tết Việt

Ngày Tết của Trường mầm non Maple Bear Arita UFO (thành phố Vinh) rực rỡ với một không gian vừa hiện đại, vừa đậm màu sắc dân tộc. Dù đang ở độ tuổi mầm non nhưng các em vẫn hào hứng với các trò chơi truyền thống như nhảy sạp, bắt vịt, biểu diễn thời trang về trang phục cổ truyền của các dân tộc trên thế giới.

Đến với hội chợ Xuân, gia đình anh Matthew (đến từ nước Anh) thích thú khi được trải nghiệm không gian văn hóa của Tết Việt. “Tôi đã ở Việt Nam 5 năm, lấy vợ và sinh con ở Việt Nam nên rất yêu văn hóa, phong tục tập quán của người Việt. Tết Việt với tôi thực sự thấy ý nghĩa. Điều tôi thấy ấm áp nhất chính là tình cảm của gia đình, mọi người cùng sum họp. Tôi thường đón Tết Việt với gia đình nhà vợ ở Đô Lương và rất thích bánh chưng, nhất là bánh chưng rán”, anh Matthew cho biết.

Gia đình ở Ukraine nên đã gần 6 năm nay thầy giáo Alex Paskalov chưa được về thăm nhà. Tuy nhiên với thầy, việc được ở lại Việt Nam đón Tết cùng các đồng nghiệp, học sinh thực sự ý nghĩa: "Tôi sẽ dành những ngày Tết để đi khám phá đất nước, con người Việt Nam, thưởng thức các món đặc sản...".

Ngày Tết của học sinh Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh là bữa cơm tất niên chiều cuối năm để hôm sau các em chia tay nhau về với bản làng. Ngày cuối cùng của năm cũ, các thầy cô mong muốn các học sinh ra tết sẽ trở lại trường để tiếp tục hành trình chinh phục tri thức, trở thành những con ngoan, trò giỏi.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, các chương trình, hoạt động đón Tết Nguyên đán diễn ra thường niên không chỉ tạo sân chơi bổ ích cho học sinh mà còn giúp các trường học thực hiện tốt hoạt động trải nghiệm trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhiều trường cũng tổ chức các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, trao quà Tết cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, động viên các em vươn lên trong học tập. Qua đó góp phần lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, giá trị tốt đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tết cổ truyền với nếp sinh hoạt mang đậm bản sắc của người dân Việt Nam được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Các hoạt động trải nghiệm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trong các nhà trường là sự tiếp nối, giáo dục truyền thống, tạo không khí vui tươi cho các thầy cô giáo và học sinh bước vào năm mới với khí thế mới, nỗ lực đạt thành tích cao trong dạy và học.../.

Nguyễn Thị Bích Huệ

Tin liên quan

Xem thêm