Văn hóa

Trải nghiệm văn hóa đặc biệt, kết nối truyền thống với hiện đại

Đến nay chương trình đã thu hút khoảng 400 khán giả tham gia hơn 12 buổi diễn lớn nhỏ khác nhau, nhiều thế hệ gia đình ở các lứa tuổi khác nhau từ người già cho đến trẻ em.

Vé tàu điện trong chương trình "Xẩm gia đình - Vui bất thình lình". (Ảnh: Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam)

TTXVN - Chương trình nghệ thuật trải nghiệm âm nhạc dân tộc mang tên "Xẩm gia đình - Vui bất thình lình" đã được khán giả, nhất là trẻ em đón nhận nhiệt tình. Đây là một thành công, góp phần động viên, khích lệ những người tổ chức chương trình.

"Xẩm gia đình - Vui bất thình lình" do Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) thiết kế dành riêng cho gia đình, trẻ nhỏ và trường học. Chương trình diễn ra vào 10 giờ ngày Chủ nhật hằng tuần (tại Hanhsilk, số 2 Hoa Lư, nhà A5, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) trong tháng 6-7/2023. Vào ngày 30/7 tới đây sẽ là buổi diễn cuối cùng trong chương trình trải nghiệm di sản đặc biệt này.

Theo Ban Tổ chức, đến nay, chương trình đã thu hút khoảng 400 khán giả tham gia hơn 12 buổi diễn lớn nhỏ khác nhau, nhiều thế hệ gia đình ở các lứa tuổi khác nhau từ người già cho đến trẻ em.

Tham gia chương trình, các gia đình sẽ được khám phá vẻ đẹp của Hà Nội xưa với một chiếc vé tàu điện, đi một vòng quảng trường Cocotier (nay là khu vực hàm cá mập), nghe tiếng rao thân thuộc của người bán hàng rong; nghe dăm ba câu chuyện kể của nhiều bác xẩm ở chợ Bưởi - chợ Mơ rồi cùng dừng chân ở Tân Ấp - Thái Hà.

Các bạn nhỏ sẽ hóa thân thành nghệ nhân, được hướng dẫn chơi nhạc cụ riêng trong nghệ thuật hát xẩm như sênh, trống, đàn. Đồng hành cùng các gia đình trên hành trình tìm hiểu hát xẩm là nhóm nghệ sỹ trẻ tuổi, tài năng với những câu chuyện truyền cảm hứng, mang xẩm đi khắp đó đây... Những làn điệu hát xẩm dung dị, dí dỏm, mang đậm nét văn hóa dân tộc là sợi dây kết nối các thế hệ, hiện đại với truyền thống và được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Poster quảng bá chương trình

Rất nhiều ý kiến phản hồi cho biết các bạn nhỏ rất hồn nhiên nằm ra nghe xẩm, những tưởng không để ý gì đến câu hát nhưng khi được hỏi chi tiết nhỏ, các em đều nhớ hết. Đặc biệt, tiết mục "Truyện cổ nước mình" của tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ theo điệu xẩm với nhịp phách, đàn nhị nghe rất vui nhộn và ý nghĩa đã thu hút các em. Sau chương trình, nhiều em mong muốn quay lại với chương trình để tiếp tục nhận xu đi "tàu điện". Xẩm gia đình mang tinh thần gần gũi ấm áp như ngôi nhà di sản đón khách, còn khán giả  truyền cảm hứng để không gian xẩm thêm phần sống động, vui tươi.

Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình giới thiệu nghệ thuật truyền thống trong và ngoài nước. Ê kíp thực hiện chương trình "Xẩm gia đình - Vui bất thình lình" đều nhận thực rõ sức mạnh của văn hóa dân tộc và mong muốn tạo cơ hội thiết thực để thế hệ trẻ hiểu hơn về vẻ đẹp, giá trị văn hóa cha ông để lại, sẵn sàng trở thành đại sứ văn hóa Việt Nam trong môi trường hội nhập quốc tế. Các em nhỏ cũng cần được nuôi dưỡng, vun đắp hiểu biết về mạch nguồn văn hóa dân tộc ngay từ chính gia đình và có những trải nghiệm văn hóa di sản phù hợp.

Khán giả trải nghiệm gõ nhạc cụ. (Ảnh: Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam)

Theo các nhà nghiên cứu, từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ XX, hát xẩm thường được gọi với những cái tên khác nhau như hát rong, hát dạo. Nhiều người vẫn hiểu xẩm là lối hát của người khiếm thị, ăn xin nhưng đúng ra là người khiếm thị đã dùng nghệ thuật hát xẩm làm phương tiện kiếm sống. Trên thực tế, hát xẩm là thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, chỉ khác ở chỗ, sân khấu của họ chính là đường phố, là gốc đa, bến nước, sân đình... hoặc đơn giản chỉ là một góc chợ quê nghèo. Với lối kể sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn, hát xẩm là một loại hình âm nhạc có một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc ta...

Cho đến nay, các nghệ nhân xẩm cao tuổi đã gần như qua đời hết nhưng nghệ thuật hát xẩm vẫn được nhiều người trẻ tuổi, đam mê, tài năng gìn giữ và phát huy giá trị. Không chỉ hát những điệu cổ mà họ còn có nhiều sáng tác mới, đưa xẩm gần gũi hơn với khán giả hiện đại. Trong đó phải kể đến sản phẩm âm nhạc xẩm (MV xẩm) "Công cha ngãi mẹ sinh thành" của nữ ca sỹ Tân Nhàn với mong muốn đưa âm nhạc truyền thống Việt ra thế giới khi đưa xẩm kết hợp với dàn nhạc giao hưởng.../.

Thanh Giang

Xem thêm