Triển lãm giới thiệu 75 bức tranh sen của họa sỹ Phật tử Kim Đức.
TTXVN - Tối 25/3, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức Triển lãm “Nghệ thuật Sen Việt 2023 – Vẻ đẹp thuần khiết". Đây là sự kiện đầu tiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp cùng UNESCO tổ chức với mục tiêu ươm mầm tài năng Việt.
Triển lãm mang thông điệp mạnh mẽ của Ban Tổ chức: Cơ hội lan tỏa giá trị văn hóa, hòa bình và nghệ thuật của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam từ hơn 2000 năm trước. Triết lý và văn hóa Phật giáo đã hòa quyện cùng văn hóa dân tộc và trở thành thành tố văn hóa sâu đậm trong đời sống xã hội, tâm linh con người Việt Nam.
Hoa sen là biểu tượng tâm linh tối thượng của Phật giáo. Hoa sen chỉ cho Phật tính vốn có trong mỗi con người, tâm thanh tịnh, sự thuần khiết. Hoa sen trong lịch sử văn hóa dân tộc cũng đã trở thành biểu tượng của tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam.
Triển lãm giới thiệu 75 bức tranh sen của họa sỹ Phật tử Kim Đức, với mong muốn mang đến những cảm xúc tích cực, làm động lực giúp mỗi người thông qua đây thêm yêu cuộc sống, yêu con người, vượt qua mọi hoàn cảnh, lấy sức mạnh và yêu thương làm người bạn, người đồng hành thuần khiết, tô bồi ước vọng tương lai tốt đẹp.
“Tổ chức sự kiện hôm nay, UNESCO nói rằng, chúng tôi không đi tìm sự nổi tiếng cho một ai đó, mà chúng tôi đánh giá nghị lực cống hiến của người nào đó. Đấy là vấn đề chúng tôi muốn lan tỏa thông điệp cho mọi người”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO Lazare Eloundou Assomo cho rằng, Triển lãm là cơ hội để thông tin, chia sẻ các giá trị sáng tạo vì nghệ thuật, gìn giữ và nuôi dưỡng tình yêu trong nghệ thuật. Đây cũng là cơ hội tôn vinh sự giao thoa giữa nghệ thuật, văn hóa, sáng tạo thông qua biểu tượng hoa sen, tiến tới một thế giới đại đồng và sự phát triển bền vững.
Họa sỹ Kim Đức chia sẻ, Triển lãm không đơn thuần là một sự kiện nghệ thuật, mà còn là một cách thể hiện tình yêu và sự quan tâm đến môi trường xung quanh. Cần bảo vệ và trân trọng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ hoa sen và các loài hoa khác, để chúng ta và những thế hệ mai sau tiếp tục được tận hưởng vẻ đẹp tuyệt vời này. Chị mong muốn Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO quan tâm xây dựng và bảo tồn hoa sen, lan tỏa ra các nền văn hóa khác, là Giá trị nổi bật toàn cầu, trở thành di sản thế giới trường tồn với thời gian.
Là một người có duyên với Phật giáo, mỗi một tác phẩm giới thiệu tại Triển lãm là một tình cảm đặc biệt của nữ họa sỹ Kim Đức. Phải đặt hoàn cảnh sáng tác của một người vừa trải qua những tổn thương sâu sắc cả về thể xác lẫn tâm hồn mới thấu hiểu giá trị nghệ thuật và xúc cảm kết tinh trong mỗi bức tranh.
Chị đã từng xuất hiện rạng rỡ trên trang bìa tạp chí Forbes, trải qua hai lần phẫu thuật vì bệnh hiểm nghèo đã biến chị từ một người năng động, thành công, trở thành một con người sợ hãi mọi thứ và chỉ muốn quyên sinh. Bệnh trầm cảm và những tác dụng phụ của thuốc đã khiến một người vốn xông xáo, đầy nghị lực như chị phải gục ngã. Nhờ sự tận tâm của các bác sỹ, sự động viên của những người thân thiết, đặc biệt ý chí phải sống để vẽ thật nhiều sen, loài “hoa của trời” đã giúp chị trở lại là chính mình. Sự tái sinh lần này đã gắn chị với sứ mệnh mới: Cho đi là hạnh phúc.
Không chỉ say mê sáng tác, chị đã vẽ và sưu tầm hàng trăm bức tranh sơn dầu của các họa sỹ, thành lập Quỹ tranh “Butta sweet life” tặng cho các bệnh viện như: Bệnh viện K (cơ sở 2), Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện đa khoa Mỹ Đức, Bệnh viện Đức Giang và Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Chị cũng phát động trồng hàng triệu cây xanh khắp các vùng miền, gây quỹ ủng hộ trồng rừng.
Triển lãm giới thiệu 75 tác phẩm về sen là minh chứng cho tinh thần và ý chí kiên cường của họa sỹ. Trước đó, chị đã tự mày mò, nghiên cứu đọc rất nhiều tài liệu về sen. Yêu sen trong cả giấc mơ, nhưng để truyền tải thông qua hội họa, chị đã phải đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu.
Với năng khiếu vốn có và sự miệt mài học tập nâng cao chuyên môn, học từ kinh nghiệm của các họa sỹ gạo cội hay quan sát, phân tích từ các tác phẩm nổi tiếng cả trong nước và quốc tế đã giúp chị tự tin, thoải mái trong từng nét vẽ. Dù hạn chế về sức khỏe nhưng nhiều lúc tình yêu sen đã giúp chị vẽ liên tục liên tục 9 tiếng, chỉ nghỉ 15 phút ăn trưa, để cho ra đời các bức tranh giàu cảm xúc với những gam màu đặc biệt từ sự quan sát tinh tế. Không chỉ đạt giá trị thẩm mỹ, các tác phẩm đều được nuôi dưỡng bằng đam mê, khát khao của người họa sỹ chân chính.
Từ một bệnh nhân trầm cảm được “cứu vớt tâm hồn” nhờ vẽ sen, họa sỹ Kim Đức đưa thông điệp đến mọi người là hãy yêu thương, quan tâm đến mình và những người xung quanh. Bệnh trầm cảm khó phát hiện nhưng lại nghiêm trọng nên hãy cảnh giác và đến gặp các bác sỹ để được hỗ trợ tốt nhất.
Trong triển lãm, bản gốc bức tranh “Vỏ tương lai” với thông điệp bảo vệ môi trường của họa sỹ Kim Đức đã từng được chọn in làm quà tặng cho giới chức sắc trong Đại lễ Phật đản Vesak được tổ chức tại Việt Nam năm 2019.
Tham dự Triển lãm, người yêu nghệ thuật trải nghiệm minigame “Cảm xúc yêu sen” và có cơ hội nhận giải thưởng với tổng giá trị lên tới 100 triệu đồng. Kết quả minigame được đăng tải trên Fanpage Truyền hình An Viên (https://www.facebook.com/anvientvbchannel) vào ngày 16/4/2023.
Triển lãm diễn ra tại chùa Quán Sứ, kéo dài đến ngày 31/3. Trong khuôn khổ Triển lãm còn có sự kiện hưởng ứng Giờ Trái đất, pháp thoại “Mỗi bước chân đi – Mỗi hoa sen nở”, “Thuần khiết như một đóa sen” và chương trình ca nhạc./.