Môi trường

Trồng rừng tại Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen

Long An

Dự án sẽ được thực hiện trong thời gian hai năm (12/2022 – 12/2024), mục tiêu trồng 340.000 cây trên tổng diện tích 17ha thuộc Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen.

(TTXVN) Với nỗ lực khôi phục rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen (tỉnh Long An), ngày 22/12, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen tổ chức hội thảo giới thiệu “Dự án trồng rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen”. Dự án do Công ty Cổ phần tập đoàn PAN và Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tài trợ.

Sen là “điểm nhấn” trong vẻ đẹp của Láng Sen. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E) do IUCN Việt Nam, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Tập đoàn TH đồng sáng lập. VB4E là một nền tảng thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào bảo vệ môi trường tại Việt Nam và dự án trồng rừng nói trên cũng là một trong những hoạt động VB4E hỗ trợ xây dựng ý tưởng từ giai đoạn đầu.

Hội thảo nhằm giới thiệu dự án tới các bên liên quan, tham vấn ý kiến các chuyên gia để dự án được hiệu quả trong quá trình thực hiện; đại diện IUCN, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam và Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN đã bàn giao thỏa thuận hợp tác dự án và cùng các bên liên quan tham gia trồng rừng tại Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen.

Dự án sẽ được thực hiện trong thời gian hai năm (12/2022 – 12/2024), mục tiêu trồng 340.000 cây trên tổng diện tích 17ha thuộc Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen. Mục đích tăng độ che phủ của rừng tràm, tạo sinh cảnh cho các loài chim nước, cải thiện môi trường sống của các loài thủy sản, hỗ trợ kế hoạch trồng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ biên giới trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025.

Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là nơi trú ngụ của rất nhiều loài chim quý. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, ngoài cây tràm, cần nghiên cứu thêm các loại cây khác phù hợp với điều kiện thiên nhiên ở đây, nhằm tăng cường đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, để dự án thành công, cần bảo đảm trên 85% cây được trồng sẽ sinh trưởng tốt.

Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen được thành lập theo Quyết định số 199/QĐ-UB ngày 19/01/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, chịu trách nhiệm quản lý 1.971ha là vùng lõi đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười, trên địa phận của 3 xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại, Vĩnh Châu A - huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Đây là khu Ramsar thứ 2227 trên thế giới, là 1 trong 9 khu Ramsar của Việt Nam được thế giới công nhận; một trong số ít các khu vực ngập nước nội địa tự nhiên còn lại ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều loại hình thái địa mạo đã tạo ra hệ sinh thái đất ngập nước vô cùng đa dạng, phong phú: đầm lầy, đồng cỏ ngập theo mùa, rừng tràm, đai rừng ven sông, là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật hoang dã. Vùng đất ngập nước này hỗ trợ mẫu rừng ven sông tự nhiên tốt nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long và cung cấp môi trường sống cho nhiều loài chim nước và thủy sinh.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát năm 2021 của Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen, diện tích rừng đặc dụng giảm 139,21ha so với diện tích rừng kiểm kê của Tổng cục Lâm nghiệp năm 2014. Hiện tại Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An phê duyệt trồng mới 30 ha thời gian hoàn thành cuối năm 2022.

Phục hồi rừng là một chiến lược quan trọng về mặt sinh thái đối với khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước vì đây là nơi sinh sống của nhiều nhóm động vật hoang dã, chim nước và các loài thủy sinh quý hiếm. Rừng tràm được xem là nơi bảo vệ đa dạng sinh học và nguồn gen.

Dự án “Trồng rừng đặc dụng tại khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen” được kỳ vọng sẽ phục hồi độ che phủ của rừng tràm tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Láng Sen, từ đó bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài thủy sinh, chim nước..., trong đó nhiều loài quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế, khu vực và quốc gia trong bảo tồn đa dạng sinh học./.

Đức Hạnh

Tin liên quan

Xem thêm