Đối với Khóa huấn luyện tiền triển khai hình thức cá nhân, sau 10 năm trưởng thành và phát triển của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam, Việt Nam đã tự chủ hoàn toàn về nội dung, chương trình và nguồn giảng viên.
Với tinh thần "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế", Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2014. Nhờ chú trọng vào công tác huấn luyện tiền triển khai kết hợp với huấn luyện tại thực địa, trong suốt mười năm qua, Việt Nam đã trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các lực lượng triển khai tới địa bàn, đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đáp ứng yêu cầu Liên hợp quốc đặt ra cũng như đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đa dạng tại phái bộ và an ninh, an toàn về con người và thiết bị.
Trải qua 10 năm hình thành và phát triển lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bên cạnh việc xây dựng nội dung, chương trinh huân luyện, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã phối hợp xây dựng được một đội ngũ cán bộ làm công tác huấn luyện có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Từ biên chế Phòng Đào tạo thuộc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (giai đoạn 2014-2017), đến năm 2018, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam được biên chế Phòng Huấn luyện (cơ quan tham mưu về huấn luyện) và Trung tâm Huấn luyện (đơn vị tổ chức huấn luyện), nhằm chuyên môn hóa và tăng hiệu suất huấn luyện.
Các cán bộ làm công tác huấn luyện chủ yếu là những cá nhân được lựa chọn có trình độ chuyên môn tốt, có kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Đội ngũ giảng viên hiện nay được huy động từ nhiều nguồn khác nhau căn cứ trên nội dung huấn luyện. Đối với huấn luyện ngoại ngữ, một mặt ta tận dụng nguồn hỗ trợ từ các đối tác quốc tế (như Australia, Vương quốc Anh, Canada), một mặt ta sử dụng các giảng viên tiếng Anh trong quân đội để tham gia giảng dạy cho lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Đối với các nội dung huấn luyện chung về chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật và chuyên ngành như công binh, quân y, thông tin liên lạc, bảo vệ lực lượng, Việt Nam sử dụng các cán bộ sĩ quan từ các học viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị trong toàn quân theo chuyên môn tham gia giảng dạy. Riêng đối với nội dung huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hiện nay cơ bản đối với các khóa chuyên sâu gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, chúng ta đang nhận sự hỗ trợ từ các chuyên gia/giảng viên quốc tế kết hợp với một số giáo viên Việt Nam kiêm nhiệm, đã từng tham gia hoạt động thực tế tại địa bàn các phái bộ.
Về công tác thực hành tổ chức huấn luyện, căn cứ trên các Chương trình huấn luyện cho cá nhân và đơn vị tham gia gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt và yêu cầu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; hằng năm, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch, Chương trình huấn luyện tổng thể cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Theo thống kê từ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, từ năm 2014 - 2023, Việt Nam đã tổ chức huấn luyện cho khoảng 558 lượt cán bộ sĩ quan theo hình thức cá nhân, 5 thê đội của Bệnh viện dã chiến cấp 2 và 2 thê đội của Đội Công binh.
Cụ thể, đối với hình thức cá nhân, trước khi được triển khai thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ, thông thường các cán bộ Việt Nam sẽ được tham gia hai khóa huấn luyện: Huấn luyện tiền triển khai hình thức cá nhân và Huấn luyện chuyên sâu về gìn giữ hòa bình.
Đối với Khóa huấn luyện tiền triển khai hình thức cá nhân, sau 10 năm trưởng thành và phát triển của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam, Việt Nam đã tự chủ hoàn toàn về nội dung, chương trình và nguồn giảng viên.
Riêng các khóa chuyên sâu về gìn giữ hòa bình, tiêu biểu như: Khóa Sĩ quan hậu cần Liên hợp quốc, Khóa Sĩ quan tham mưu, Khóa Chuyên gia quân sự phái bộ, Khóa tập huấn cho các nhà hoạch định kế hoạch quốc gia cao cấp về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc..., hiện nay do chưa tự chủ hoàn toàn về công tác huấn luyện, chúng ta đang tận dụng các nguồn hỗ trợ của các đối tác quốc tế theo hai hình thức.
Hình thức thứ nhất là kết hợp với các đối tác quốc tế để tổ chức, trong đó Việt Nam đăng cai tổ chức, cử một số giáo viên tham gia giảng dạy, đối tác quốc tế xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện và cung cấp giảng viên giảng dạy chính.
Hình thức thứ hai là cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn tại các nước đối tác về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Tính đến tháng 5/2024, Việt Nam đã cử khoảng 311 cán bộ, sĩ quan quân đội tham gia 182 khóa tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên sâu ngăn hạn về gìn giữ hòa bình tại 34 đối tác quốc tế./.