Văn hóa

Tưng bừng Lễ hội Đền Trấn Vũ và nghi lễ “Kéo co ngồi”

Ngày 22/4 (tức ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch), tại Lễ hội Đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội), diễn ra nghi lễ “Kéo co ngồi” - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Thực hành nghi lễ “Kéo co ngồi” tại Lễ hội đền Trấn Vũ. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

TTXVN - Ngày 22/4 (tức ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch), tại Lễ hội Đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội), diễn ra nghi lễ “Kéo co ngồi” - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Lễ hội Đền Trấn Vũ được tổ chức thường niên vào ngày mùng 3 tháng Ba (âm lịch) hàng năm, mang bản sắc văn hóa truyền thống, nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ, khát vọng của con người, mong muốn có cuộc sống an bình, tốt đẹp. Lễ hội cũng là nét sinh hoạt văn hóa xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của con người, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, luôn hướng về nguồn cội; đồng thời là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ tương lai.

Ba đội trưởng của ba đội nâng bó song mây dài khoảng 50m (một loại cây dẻo dai và chắc chắn, được dùng để làm dây kéo co) trong phần nghi lễ. (Ảnh: Nguyễn Thuỳ Dương/TTXVN)

Về dự Lễ hội Đền Trấn Vũ, nhân dân, du khách thập phương có dịp chiêm ngưỡng pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ – pho tượng đồng đúc liền khối được chế tác khoảng thế kỷ 18, cao hơn 4m, nặng khoảng hơn 4.000kg. Pho tượng được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015 và đã đi vào truyền thuyết, gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Cùng với Bảo vật quốc gia tượng Huyền Thiên Trấn Vũ, hiện nay, tại Đền Trấn Vũ còn lưu 23 đạo sắc phong có từ niên đại Cảnh Hưng 44 đến thời Nguyễn (từ năm 1740 đến năm 1940) đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là tài liệu lưu trữ quý, hiếm.

Các đội bốc thăm thứ tự thi đấu. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Một trong những giá trị văn hóa độc đáo của Lễ hội truyền thống Đền Trấn Vũ là nghi lễ “Kéo co ngồi” - tập quán xã hội, tín ngưỡng có từ lâu đời trong hội làng Cự Linh, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm xưa (nay là cụm Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên).

Theo sử sách, nghi thức “Kéo co ngồi" được tổ chức trong lễ hội đền Trấn Vũ vào ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch hàng năm với 3 mạn tham gia: mạn Chợ, mạn Đường và mạn Đìa. Điểm độc đáo của nghi lễ này là các đội tham gia ngồi trên nền đất để kéo, người kéo co ngồi chân co chân duỗi và ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của dây. Thông qua trò chơi và nghi lễ Kéo co ngồi", người dân cầu cho mưa thuận, gió hòa và mùa vụ bội thu.

“Kéo co ngồi” không chỉ thể hiện sức khỏe của mỗi người chơi mà còn là tinh thần đoàn kết giữa người kéo co, người chạy cờ, người cổ động. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Ngày 19/12/2014, nghi thức "Kéo co ngồi" Đền Trấn Vũ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tháng 12/2015, Kéo co truyền thống châu Á đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dưới tên "Nghi lễ và trò chơi kéo co", do bốn quốc gia: Campuchia, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam cùng đệ trình.

Theo hồ sơ đề nghị của Việt Nam, UNESCO công nhận "Nghi lễ và trò chơi kéo co" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho 4 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, trong đó có "Kéo co ngồi" Đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn (quận Long Biên, thành phố Hà Nội).

Đông đảo người dân, du khách đến xem và cổ vũ cho các đội. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Đại diện Ban tổ chức cho biết, việc tổ chức trình diễn nghi lễ "Kéo co ngồi" - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Lễ hội Đền Trấn Vũ nhằm đưa đến cho nhân dân, khách thập phương xa gần cùng chiêm ngưỡng nghi lễ cổ của ông cha, tái hiện lại nét văn hóa truyền thống đặc sắc, thể hiện mong muốn, khát vọng của người dân Ngọc Trì nói riêng, Thạch Bàn nói chung: cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, một cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc. Chính quyền, nhân dân phường Thạch Bàn, cùng Ban quản lý di tích Đền Trấn Vũ sẽ tiếp tục thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di sản, để nghi lễ “Kéo co ngồi” tiếp tục được lưu truyền, gìn giữ cho hôm nay và mai sau./.


Phương Lan

Xem thêm