Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP tạo đà để các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với mục tiêu tất cả vì người bệnh.
TTXVN - Nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc của các bệnh viện đang gặp phải trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, trước kiến nghị của Bộ Y tế và các bệnh viện trong cả nước, trong hai ngày 3 - 4/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP. Đây là các văn bản quan trọng góp phần tháo gỡ những "nút thắt" cho ngành Y tế trong công tác mua sắm, đấu thầu và thanh toán bảo hiểm y tế đối với trang thiết bị, vật tư y tế, đồng thời tạo đà để các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với mục tiêu tất cả vì người bệnh.
*Gỡ khó cho bệnh viện
Đánh giá về Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP, nhiều Giám đốc Bệnh viện cho rằng “đã cơ bản giải quyết được những vấn đề mà nhiều bệnh viện đang gặp phải về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế”.
Đối với việc mua sắm trang thiết bị y tế, các bệnh viện cho rằng, khó nhất hiện nay là đơn vị không biết tham khảo thông tin xây dựng giá gói thầu mua sắm thiết bị y tế thế nào là đúng. Theo quy định cũ, bắt buộc phải tham khảo 3 báo giá. Trong điều kiện không tham khảo được 3 báo giá và các tài liệu tham khảo theo quy định khác, không có quy định giao cho chủ đầu tư quyết định xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, cũng quy định tối đa không quá 90 ngày lựa chọn nhà thầu... nên gây khó khăn lớn cho các bệnh viện. Để tháo gỡ "nút thắt" này, Nghị quyết 30 đã sửa đổi cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ chia sẻ, khi soạn thảo văn bản này, Chính phủ và Bộ Y tế đã lấy ý kiến các bệnh viện. Vì vậy, Nghị quyết được ban hành rất sát với những khó khăn mà các bệnh viện đang gặp phải, giải quyết được những vấn đề cấp bách.
Nghị quyết 30 đã sửa đổi Nghị quyết 144, kéo dài thời gian và thí điểm máy đặt máy mượn khi các cơ sở y tế trúng thầu hóa chất vật tư để phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh; cho phép tháo gỡ trong đấu thầu vật tư, khi đồng ý các gói thầu báo giá dưới ba nhà thầu.
Đây là những tháo gỡ hết sức cần thiết và kịp thời. Bên cạnh đó, việc cho phép các thiết bị cho, tặng biếu, liên doanh liên kết đã hết hợp đồng chưa cần phải thực hiện các thủ tục tài sản toàn dân có thể đưa vào sử dụng cho người bệnh đã tạo thuận lợi rất nhiều cho các bệnh viện.
Đại diện Lãnh đạo Bệnh viện K cho rằng, những văn bản này, đặc biệt là Nghị quyết 30 sẽ giải quyết được "nút thắt" trong thanh toán bảo hiểm y tế, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm đang vướng mắc.
Việc Nghị quyết 30 cho phép "các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán" sẽ không chỉ tháo gỡ cho các bệnh viện, mà còn góp phần sử dụng hiệu quả các máy này cho công tác khám chữa bệnh, đặc biệt trong triển khai các kỹ thuật cao, chuyên sâu.
Không chỉ tại các bệnh viện Trung ương, tại các địa phương, việc Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết 30 và Nghị định 07 đem lại một luồng gió mát lành, làm giảm nhiệt nỗi lo khi trang thiết bị thiếu hụt trầm trọng, tình trạng thiếu thuốc và vật tư, hóa chất không đáp ứng để phục vụ bệnh nhân, nhưng những quy định về mua sắm lại rất khó khăn, chưa được rõ ràng, còn nhiều vướng mắc.
Tiến sĩ, bác sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam chia sẻ: “Những khó khăn này đã được tháo gỡ. Chúng tôi hết sức vui mừng”. Nghị quyết đã đưa ra các quy định hết sức cần thiết, thuận lợi cho việc tổ chức mua sắm đấu thầu, nhất là quy định về báo giá đã rất rõ ràng để các bệnh viện thực hiện.
Bên cạnh đó, Nghị định 07 đã cho phép nhập khẩu thông quan, cấp phép cho các thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất. Việc tự động gia hạn giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành trong nhập khẩu trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế đã giải quyết được tình trạng thiếu trang thiết bị, thiếu thuốc, vật tư, hóa chất do số giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế hết hạn; tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho ngành cũng như những vướng mắc của doanh nghiệp.
Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: Chúng tôi rất mừng vì Nghị quyết 30 mới ban hành đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc. Đặc biệt là vật tư, trang thiết bị, thuốc, hóa chất trong xét nghiệm, trong đó có nhiều máy mượn, máy đặt và đặc biệt là gia hạn tự động các loại thuốc cũng được tháo gỡ. Việc bỏ 3 báo giá trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, đặc biệt đối với bảo trì, sửa chữa máy móc đã gỡ “vướng” rất nhiều cho các cơ sở y tế.
*Vẫn mang tính chất cấp bách
Bên cạnh những vui mừng và thở phào nhẹ nhõm khi Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP được ban hành, vẫn có những lo lắng từ phía cơ sở. Nhiều Giám đốc Bệnh viện cho rằng, các giải pháp trong Nghị quyết 30 và Nghị định 07 mang tính chất cấp bách và giải quyết tình thế chứ chưa xây dựng những văn bản pháp quy một cách căn cơ. Đồng thời, lãnh đạo các bệnh viện mong muốn sớm có những thông tư, hướng dẫn và những văn bản, biểu mẫu cụ thể ra đời để có cơ sở, hành lang pháp lý thực hiện đúng với pháp luật nhà nước hiện hành.
Về quy định chỉ cần 1 báo giá thay vì phải 3 báo giá như trước đây, nhiều lãnh đạo bệnh viện băn khoăn, "làm sao các bệnh viện biết được công ty báo giá có sát với giá nhập khẩu hay không? Cách lấy báo giá như thế nào để sau này không bị quy kết sai phạm về giá?".
Có ý kiến đề nghị cần có cơ quan chủ trì định mức giá để bảo vệ người làm công tác đấu thầu, mua sắm bởi thanh tra, kiểm tra sau này hầu hết đều xoay quanh vấn đề giá. Nếu không có cơ quan chủ trì giá, các bệnh viện không thể biết được giá trị thực của các máy móc, cũng như có bị mua bán lòng vòng, đẩy giá lên hay không…
Về vấn đề giá của trang thiết bị y tế, trước thực tế cho thấy mặt hàng này có nhiều cấu hình khác nhau nên rất khó để có “ba rem” chuẩn cho kê khai hay niêm yết giá, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho hay, quản lý giá trang thiết bị y tế hiện nay theo quy định của Nghị định số 07/2023/NĐ-CP, trong đó có nội dung về niêm yết giá có điểm mới là kể cả các chủ sở hữu gồm cả cơ sở sản xuất, nhà bán buôn, nhà bán lẻ cũng phải thực hiện việc này. Giá niêm yết phải gắn với từng cấu hình cụ thể.
Theo quy định của pháp luật về giá, việc niêm yết giá có thể thực hiện trên nhiều kênh khác nhau trong đó có Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, vấn đề chênh lệch giá bán đến người sử dụng so với giá nhập khẩu bao nhiêu là phù hợp hiện vẫn là một câu hỏi khó. Về nguyên tắc, giá nhập khẩu là bí mật của doanh nghiệp nhưng đồng thời quyền định giá của doanh nghiệp phải phù hợp với quy luật của thị trường.
Về vấn đề này, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để sắp tới khi xây dựng Luật trang thiết bị y tế có thể thể chế hóa làm sao để phù hợp trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của cả 4 bên: Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở y tế và đặc biệt là người bệnh.
Đánh giá về Nghị định 07/NQ-CP ngày 03/3/2023 và Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Đây là hai văn bản hết sức quan trọng, căn cơ, bước đầu tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế của các cơ sở y tế trong công tác mua sắm, đấu thầu, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với một số nội dung. Những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết triệt để ngay mà giải quyết từng bước.../.