Sức khỏe

Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, nâng cao sức khỏe cộng đồng

37 năm làm bác sĩ, trong đó có 17 năm chuyên tâm với lĩnh vực dinh dưỡng, dù đã nghỉ hưu hơn 4 năm, nhưng bác sỹ Ngọc Diệp vẫn nỗ lực làm việc để đóng góp vào sự phát triển ngành dinh dưỡng Việt Nam.

Bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

TTXVN - Luôn tâm huyết với lĩnh vực dinh dưỡng, bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn nỗ lực nghiên cứu khoa học, nhằm tạo thêm điều kiện thuận lợi hỗ trợ người dân chủ động thực hành chế độ dinh dưỡng hợp lý trong suốt vòng đời, để có nền tảng vững chắc nâng cao sức khỏe cộng đồng. Nhiều công trình nghiên cứu của bác sỹ Ngọc Diệp và các nữ đồng nghiệp đến nay đã được ứng dụng trong cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực.

* Thiết thực với phụ nữ trong việc chăm sóc gia đình

Một trong những đề tài nghiên cứu khoa học do bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Diệp là chủ nhiệm, mang lại lợi ích thiết thực trong cuộc sống đó là "Bổ sung i-ốt vào hạt nêm, góp phần cải thiện tình trạng thiếu hụt i-ốt trong cộng đồng". Nghiên cứu trải qua nhiều giai đoạn đi từ các khảo sát dịch tễ học về sự thay đổi thói quen tiêu thụ thực phẩm giàu iot, muối bổ sung i-ốt tại các hộ gia đình đến sử dụng các phương pháp thử nghiệm, phân tích hóa lý để xây dựng thành phần công thức và quy trình sản xuất hạt nêm bổ sung i-ốt chuẩn ở quy mô phòng thí nghiệp, mở rộng đến qui mô công nghiệp và tiếp theo là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng về hiệu quả của hạt nêm bổ sung i-ốt chuẩn trong giải quyết tình trạng thiếu hụt i-ốt trên các đối tượng sử dụng khác nhau.

Bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết: Thiếu i-ốt ảnh hưởng đến sự phát triển tầm vóc, trí tuệ, làm giảm kết quả học tập, năng suất lao động. Phụ nữ mang thai thiếu i-ốt dễ bị sẩy thai, sinh non, thai chết lưu. Trẻ sơ sinh thiếu i-ốt sẽ chậm phát triển trí tuệ, đần độn, tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh và tử vong. Trẻ nhỏ thiếu i-ốt sẽ làm tăng nguy cơ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển tâm thần, hạn chế sự phát triển chiều cao, cân nặng, suy dinh dưỡng, suy tuyến giáp, bướu cổ. Xuất phát điểm của nghiên cứu là do ở phía Nam, người dân sử dụng chủ yếu là hạt nêm để chế biến món ăn, trong khi tỷ lệ gia đình sử dụng muối trong nấu ăn ngày càng giảm. Trong bối cảnh cuộc sống công nghiệp hiện đại, việc sử dụng hạt nêm bổ sung iot là một giải pháp thiết thực giúp phụ nữ trong việc chăm sóc gia đình, vì vừa đơn giản, dễ dàng trong chế biến món ăn, vừa đảm bảo cung cấp đủ lượng i-ốt cần thiết hàng ngày cho cả gia đình. Theo nghiên cứu, chỉ cần sử dụng là 10g hạt nêm bổ sung i-ốt/ngày/người là đảm bảo cung cấp đủ lượng i-ốt và natri khuyến nghị về dinh dưỡng của Bộ Y tế. Nghiên cứu đã được chuyển giao công nghệ, áp dụng thành công trong cuộc sống; giờ đây hầu hết các gia đình đã sử dụng hạt nêm bổ sung i-ốt, góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu hụt i-ốt trong cộng đồng, bảo đảm tiêu chuẩn để phòng bệnh - Bác sỹ Ngọc Diệp chia sẻ.

 Bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Diệp đang tư vấn cho bệnh nhân trong đại dịch COVID-19 thông qua tổng đài 1022 Thành phố Hồ Chí Minh". Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Tạo tiền đề chăm sóc toàn diện cho người bệnh

Một đề tài khoa học khác của bác sỹ Ngọc Diệp là nghiên cứu thực phẩm có năng lượng thấp, chỉ số đường huyết thấp nhưng giá trị dinh dưỡng phù hợp với người Việt Nam dành cho người thừa cân béo phì. Hiện tình trạng thừa cân béo phì đang tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là tại các đô thị, việc tiêu thụ các thực phẩm chế biến sẵn giàu năng lượng nhưng nghèo dinh dưỡng phổ biến ở người thừa cân béo phì; nhân lực làm dinh dưỡng còn rất hạn chế, kiến thức về chọn lựa thực phẩm phù hợp với tình trạng dinh dưỡng cá nhân còn nhiều khó khăn. Kết quả nghiên cứu sau khi được nghiệm thu, chuyển giao đã hỗ trợ người dân có thêm giải pháp phù hợp, kinh tế và an toàn để kiểm soát cân nặng.

Hay đề tài về việc xây dựng bộ thực đơn dinh dưỡng cho người bệnh nằm viện và "Sổ tay hướng dẫn thực hành dinh dưỡng tiết chế bệnh viện" được bác sỹ Ngọc Diệp và các đồng nghiệp ấp ủ nhiều năm. Đề tài xuất phát từ thực tế việc nuôi dưỡng, điều trị dinh dưỡng cho người bệnh nội trú của nhiều bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn do hoạt động dinh dưỡng tiết chế cần phối hợp nhiều bộ phận, nhưng hiểu biết về tầm quan trọng của dinh dưỡng, cơ sở vật chất trang thiết bị, nguồn nhân lực dinh dưỡng còn rất hạn chế; tỷ lệ người bệnh được can thiệp dinh dưỡng đúng còn thấp, dẫn đến suy dinh dưỡng phát hiện chậm; tỷ lệ suy dinh dưỡng bệnh viện ở mức cao. Bộ thực đơn bao gồm nhiều thực đơn bệnh lý nội ngoại khoa dành cho trẻ em, phụ nữ mang thai và người trưởng thành; thực đơn xây dựng và chế biến dựa trên nhu cầu của người bệnh, có quan tâm đến nhu cầu xã hội, văn hóa, tôn giáo và mức độ tiếp cận về tài chính, cũng như nhân lực, là tiền đề quan trọng để hỗ trợ, chăm sóc toàn diện cho người bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

"Sổ tay hướng dẫn thực hành dinh dưỡng tiết chế bệnh viện" là công cụ giúp các cán bộ dinh dưỡng tổ chức thực hiện hoạt động dinh dưỡng tiết chế, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, can thiệp tiết chế, bố trí trang thiết bị, tổ chức cung cấp suất ăn, xây dựng thực đơn cá thể và giám sát an toàn thực phẩm trong bệnh viện. Đề tài đã được triển khai trong các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố. Đây là những đề tài nghiên cứu được áp dụng và triển khai tốt trong cộng đồng.

Theo bác sỹ Ngọc Diệp, dinh dưỡng rất quan trọng đối với mọi người, đặc biệt là đối với người bệnh. Nếu thực hiện tốt can thiệp dinh dưỡng sẽ giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, giúp người bệnh giảm biến chứng, mau phục hồi bệnh lý, rút ngắn thời gian điều trị, giảm chi phí điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ…

Bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Diệp được tôn vinh tại lễ vinh danh các nữ tri thức ngành y giai đoạn 2019-2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Góp phần phát triển ngành dinh dưỡng Việt Nam

Đã 37 năm làm bác sĩ, trong đó có 17 năm chuyên tâm với lĩnh vực dinh dưỡng, dù đã nghỉ hưu hơn 4 năm, nhưng bác sỹ Ngọc Diệp vẫn luôn miệt mài, nỗ lực làm việc để đóng góp vào sự phát triển ngành dinh dưỡng Việt Nam. Bác sỹ Ngọc Diệp tham gia tìm hiểu kinh nghiệm của các nước phát triển, đóng góp bền bỉ, tích cực đề xuất để mở ra việc đào tạo cử nhân chuyên ngành dinh dưỡng tại nhiều trường đại học; tiếp tục tổ chức, tham gia trong nhiều lớp tập huấn kiến thức, các buổi nói chuyện chuyên đề để chia sẻ các kiến thức dinh dưỡng sinh viên y khoa, cán bộ y tế, người bệnh và cho cộng đồng. Bác sỹ cũng tham gia hướng dẫn về dinh dưỡng cho nhiều sinh viên quốc tế; từ năm 2014 là giáo sư thỉnh giảng trường Đại học Công nghệ Queensland, Australia.

Bác sỹ Ngọc Diệp chia sẻ: "Tôi may mắn được các thế hệ đi trước, cấp trên, nhà trường, đồng nghiệp và gia đình tạo nhiều điều kiện để học tập và thực hiện các hoài bão nghề nghiệp của mình. Tôi được tiếp cận với nhiều tấm gương sáng về nhân cách và nghề nghiệp. Tôi hiểu rằng tri thức là điều kiện tiên quyết để thành công, vì vậy tôi muốn lan tỏa được cảm xúc hết lòng vì người bệnh, tình yêu nghề nghiệp, thành quả công tác nhỏ bé của cá nhân từ quá trình điều trị đến dự phòng và góp phần tiếp nối quá trình xây dựng mạng lưới cán bộ dinh dưỡng có chuyên môn cao, đạo đức nghề nghiệp không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh, còn ở nhiều tỉnh, thành phố và trong khu vực. Cùng với việc phát triển hệ thống dinh dưỡng trong bệnh viện kết hợp với hệ thống dinh dưỡng tại cộng đồng, chắc chắn mục tiêu nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực cho người Việt Nam sẽ thành công"./.

Phúc Hằng

Tin liên quan

Xem thêm