Sức khỏe

Hiến tặng mô, tạng - hành động nhân văn của các thầy cô nơi đất đỏ miền Đông

Bà Rịa-Vũng Tàu

Trường THPT Nguyễn Du đã có 36 thầy cô giáo, 2 phụ huynh học sinh và một cựu học sinh đăng ký hiến tạng và hiến xác sau khi qua đời.

Danh sách các giáo viên của trường THPT Nguyễn Du đăng ký hiến xác cho nghiên cứu y học. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Những dự án tham gia tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh Trung học phổ thông cấp tỉnh năm học 2018-2019 và năm học 2022-2023 của Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (huyện Châu Đức) đã làm thay đổi nhận thức, lan tỏa ý nghĩa nhân văn, khiến nhiều thầy cô, phụ huynh học sinh và cựu học sinh của trường đăng ký hiến tạng sau khi mất để cứu sống người bệnh và nghiên cứu khoa học.

Với hơn 40 năm hình thành và phát triển, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du có hiện có 27 lớp học với 72 giáo viên. Trong đó, đã có 36 thầy cô giáo, 2 phụ huynh học sinh và một cựu học sinh đăng ký hiến tạng và hiến xác sau khi qua đời. Trong danh sách này, có người vừa đăng ký hiến tạng, vừa đăng ký hiến xác cho y học.

Cô Dương Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du nhớ lại, năm học 2018 - 2019, dự án “Thay đổi nhận thức về việc hiến tặng mô tạng - Thách thức và niềm tin với học sinh Trung học phổ thông" của 2 em là Đinh Hữu Thiên Phúc (học sinh lớp 11A5) và Phạm Hùng (học sinh lớp 12A7) tham gia tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh Trung học phổ thông cấp tỉnh đã thực sự làm thay đổi nhận thức và đưa đến những quyết định nhân văn của chính các thầy cô giáo trong trường. Năm đó, đã có 18 giáo viên, 2 phụ huynh học sinh và một cựu học sinh của trường đã ký vào đơn xin được hiến tặng tạng sau khi qua đời với hy vọng sẽ cứu được nhiều người.

Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên dạy môn Công nghệ (nay đã nghỉ hưu) là người hướng dẫn dự án nghiên cứu về hiến mô, tạng cho Phúc và Hùng. Việc chia sẻ các câu chuyện hiến tạng bằng nhiều hình thức như tọa đàm, dẫn link trên các trang mạng, các bảng câu hỏi để đánh giá giúp học sinh định hướng, thay đổi dần nhận thức về việc hiến mô, tạng. Cô thực sự lay động trước dự án này và là giáo viên đầu tiên của trường đăng ký hiến tạng.

Cô Thúy chia sẻ, khi đến bệnh viện, cô thấy xót xa và thương cảm cho những người bệnh đang chờ được ghép tạng. Từ đó, cô nhận thấy, đăng ký hiến tạng là việc hoàn toàn đúng đắn. Mọi người trong gia đình đều ủng hộ hành động của cô. Cô Thúy mong muốn, sau này, sau khi cô qua đời, một phần cơ thể có thể cứu sống được nhiều người khác.

Đến nay, dù đã nghỉ hưu, cô Thúy cũng vẫn tham gia tuyên truyền cho bạn bè, người thân về hiến tạng. Nhờ đó, nhiều người đã mạnh dạn đăng ký hiến tại Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh).

Không dừng ở việc hiến tạng, hai học sinh Nguyễn Thị Thúy Ngân (lớp 12A4) và Phạm Cường (lớp 11A4), Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du đã đăng ký tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh Trung học cấp tỉnh vào năm học 2022-2023 với dự án “Lan tỏa và thay đổi nhận thức về hiến tặng thi hài cho khoa học ở học sinh Trung học phổ thông”. Dự án này đã đoạt giải Tư của Cuộc thi, đồng thời nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các thầy cô. Ngay sau đó, 18 thầy cô giáo trong và ngoài trường đã đăng ký hiến xác cho y học, trong số này có những thầy cô trước đó đã đăng ký hiến tạng cứu người.

Em Nguyễn Thúy Ngân chia sẻ, từ dự án này, em đã vận động được ba em đồng ý hiến xác cho khoa học. Lúc đầu, ba của em cũng rất băn khoăn. Tuy nhiên, được con gái thuyết phục, ông đã ký vào đơn đăng ký hiến xác sau khi qua đời.

Gia đình em Phạm Cường đã có anh Phạm Hùng cùng ba mẹ đăng ký hiến tạng. Riêng Phạm Cường sẽ đăng ký tham gia hiến tạng và hiến xác cho khoa học khi đủ tuổi.

Thầy Nguyễn Văn Hải, giáo viên dạy môn Hóa học, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (một trong những giáo viên đầu tiên tham gia đăng ký hiến xác sau khi qua đời tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, thầy đăng ký hiến tạng sau khi qua đời với mong muốn làm được việc có ý nghĩa cho đời. Là giáo viên hướng dẫn các học sinh viết dự án tham gia Cuộc thi, thầy đã dần thay đổi nhận thức và đi đến quyết định tiếp tục đăng ký hiến xác để phục vụ nghiên cứu khoa học. Khi quyết định hiến xác cho khoa học, thầy cũng bị gia đình phản đối. Tuy nhiên qua phân tích, thuyết phục, gia đình đã đồng ý với tâm nguyện của thầy.

Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trung bình 1 người bình thường sau khi mất có thể cứu sống được ít nhất 7 người và nhiều nhất là 13 người. Do vậy, việc đăng ký hiến tạng sau khi qua đời có ý nghĩa rất lớn trong y học, gieo được nhiều mầm sống cho người bệnh.

Việc làm của các học sinh và thầy cô giáo Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du có sức lan tỏa rộng. Nhờ đó, cuối năm 2022 đã có thêm 17 thầy cô đăng ký hiến xác cho khoa học; trong đó có thầy cô trước đó đã đăng ký hiến tạng sau khi mất. Với ý niệm “cứu người, duy trì cuộc sống mãi mãi”, những hành động đẹp, nhân văn và thiêng liêng này thể hiện tình người nơi đất đỏ miền Đông./.

Hoàng Nhị

Xem thêm