Xã hội

Tuyên Quang: Bông hoa “đỏ” của bản Mông Quảng Tân

Tuyên Quang

Chị Mã Thị Bí, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang đã vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, chăm chỉ làm ăn, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

TTXVN - Cách đây 7 năm, cô gái trẻ Mã Thị Bí, dân tộc Mông, về làm dâu ở thôn Quảng Tân, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Gắn bó với bản làng, hiểu thực trạng ở nơi đây, chị đã vượt qua những rào cản về quan niệm cũ, nỗ lực phát triển bản thân, tích cực tuyên truyền, khơi dậy tinh thần đoàn kết của nhân dân, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, chăm chỉ làm ăn, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

* Nghị lực vươn lên

Chị Mã Thị Bí, sinh năm 1996 tại Làng Mông, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp (Đắk Lắk). Có bố mẹ đều làm giáo viên, nên ngay từ nhỏ, Bí và các anh chị em trong gia đình đều được bố mẹ răn dạy phải cố gắng học hành. Chị Mã Thị Bí, cho biết, nhà rất nghèo, thường xuyên không có đủ gạo để ăn, nhưng bố mẹ chị vẫn cố gắng nuôi 7 anh chị em ăn học và luôn nhắc nhở con cái học hành sẽ giúp cuộc sống sau này đỡ vất vả hơn . Năm chị Bí học lớp 9, gia đình sảy ra biến cố, mẹ mất, bố lập gia đình riêng. Khó khăn là vậy nhưng chị không để dang dở việc học hành. Trong suốt những năm cấp ba, chị vừa đi học, vừa đi làm thêm từ bưng bê, phục vụ các quán ăn, phục vụ tiệc cưới, bốc xếp hàng hóa, để có tiền ăn học cho bản thân và các em. Cứ như vậy, 7 anh chị em của chị đều học hết lớp 12, trong đó, có 2 chị tốt nghiệp Cao đẳng. Hiện tại, dù mỗi người sinh sống ở một nơi khác nhau, nhưng đều có cuộc sống rất ổn định.

Nói về cơ duyên làm dâu mảnh đất Yên Lâm, chị Bí chia sẻ, trong một lần đi thăm nhà người thân ở Tuyên Quang, chị gặp được anh chàng Lý Văn Mỳ. “Phải lòng” chàng trai người Mông hiền lành, chị Bí quyết định theo anh Mỳ về thôn Quảng Tân, xã Yên Lâm huyện Hàm Yên sinh sống. Để đảm bảo cuộc sống, chị Bí đi học nghề may và làm trang phục người Mông.

 Chị Mã Thị Bí hướng dẫn chị em phụ nữ Mông may trang phục. (Ảnh: Thu Huyền)

Không ngại học hỏi, đầu tư máy móc, phụ liệu đa dạng, nên váy áo do chị Bí thiết kế ngày càng được người Mông trong bản ưa chuộng. Đến đặt may bộ váy áo chuẩn bị cho năm mới, chị Lý Thị De thôn Quảng Tân, xã Yên Lâm cho biết, váy áo của chị Bí may rất đẹp vừa giữ được vẻ đẹp của trang phục Mông truyền thống vừa có nét trẻ trung, hiện đại. Phụ nữ ở Quảng Tân, nhất là các bạn trẻ rất thích váy áo nhà chị Bí.

Gần đây ngoài bày bán tại nhà, chị Bí còn chụp mẫu, livestream bán váy áo qua các mạng xã hội. Cũng vì vậy, thu hút nhiều khách hàng là đồng bào Mông đang sinh sống tại các địa phương trong và ngoài tỉnh tìm hiểu, mua sắm. Trung bình, mỗi tháng, chị Bí bán khoảng 10 bộ váy áo. Mỗi bộ váy áo có giá giao động từ 500, 600 nghìn đồng đến hơn 2 triệu đồng Càng về dịp cuối năm, nhu cầu khách tăng cao, trang phục làm ra không đủ bán.

* Bông hoa “đỏ” của bản làng

1. Chị Mã Thị Bí và cán bộ thôn Quảng Tân giới thiệu với lãnh đạo xã Yên Lâm địa điểm xây dựng tuyến đường hoa thôn Quảng Tân. (Ảnh: Thu Huyền)

Ông Lý Văn Bắc, Bí thư Chi bộ, thôn Quảng Tân cho biết, là ngưởi trẻ được học hành, nên chị Mã Thị Bí rất năng động, nhanh nhẹn, miệng nói, tay làm. Về thôn Quảng Tân năm 2016, thì đến đầu năm 2018, chị Bí được bà con nhân dân trong tin tưởng bầu làm Phó Trưởng thôn, Bí thư Chi đoàn thôn Quảng Tân.

Thôn Quảng Tân có gần 150 hộ dân 100% là đồng bào Mông. Gắn bó với bản làng, chị Mã Thị Bí nhận định, người Mông ở Quảng Tân cơ bản là hiền lành nhưng đồng bào chưa có sự gắn kết lẫn nhau, thôn còn nhiều quan điểm hủ tục, lạc hậu, nhận thức của một bộ phần đồng bào còn hạn chế, thường bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo. Cùng với đó là trẻ em bỏ học, nạn tảo hôn...Chính vì vậy, khi đảm nhận công tác thôn bản, chị đã xác định để khắc phục những hạn chế của địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng.

Thời điểm trước năm 2022, một số bà con vì nhẹ dạ mà tin theo những lời dụ dỗ của kẻ xấu như “không cần làm mà vẫn có cái ăn”, “không cần đi học cũng biết chữ” mà bỏ bê ruộng nương, con cái. Chị Bí cùng với cán bộ thôn, xã đã đi từng nhà, gặp từng người, giải thích, phân tích những luận điệu sai trái, vô lý của kẻ xấu. Nhờ đó, 5 cặp vợ chồng người Mông trẻ trong bản đã bỏ tà đạo, tu chí làm ăn, chăm sóc gia đình, tin tưởng theo Đảng, Nhà nước.

Chị Bí cho biết thêm, ở những bản vùng sâu, vùng xa, khó khăn như Quảng Tân, việc cho trẻ em nhất là với bé gái nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình, rồi lấy chồng, sinh con, sống phụ thuộc vào gia đình nhà chồng đã là ý thực hệ tồn tại lâu đời. Chính vì vậy, chị thường xuyên vận động trẻ em, thanh thiếu niên trong bản cố gắng học tập để thay đổi cuộc sống. Em Mã Thị Sinh, 19 tuổi, thôn Quảng Tân chia sẻ, cách đây 3 năm, em nghỉ học ở nhà làm rẫy, bố mẹ giục lấy chồng. Qua những buổi lao động đoàn thanh niên, được chị Bí động viên Sinh quyết định đi học nghề làm tóc, mong muốn sau này tự mở cửa hàng ở chợ trung tâm xã.

Xác định “Hủ tục phải xóa bỏ, nhưng văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào thì phải nỗ lực gìn giữ”, chị Bí thành lập đội văn nghệ thôn với hơn 20 thành viên để lưu giữ những điệu múa Khèn, múa ô và những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông. Qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, khơi dậy tinh thần tập thể, đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra, chị Bí cũng tận tình chia sẻ, dạy nghề may váy áo cho phụ nữ trong bản, mong muốn giúp chị em biết nghề, có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Những việc làm của chị Mã Thị Bí được chính quyền, các cấp hội và nhân dân ghi nhận. Đầu năm 2023, chị được bầu làm Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Yên Lâm. Tháng 6 /2023, chị Mã Thị Bí được kết nạp Đảng ở tuổi 27 và là đảng viên nữ người Mông đầu tiên, trẻ tuổi nhất ở Yên Lâm.

Bí thư chi bộ thôn Quảng Tân, Lý Văn Bắc, cho biết, những nỗ lực của chị Mã Thị Bí đã góp phần thay đổi cuộc sống và nhận thức của bà con nhân dân trong thôn. Hiện nay, thôn Quảng Tân không còn hôn nhân cận huyết, 100% đồng bảo cam kết từ bỏ, không bị ảnh hưởng bởi kẻ xấu, tình trạng tảo hôn đã giảm đáng kể, bà con nhân dân, đặc biệt là phụ nữ trong bản cũng mạnh dạn tham gia các phong trào hoạt động chung của thôn, xã; bà con tập trung lao động sản xuất, thanh thiếu niên có những nhận thức đúng đắn hơn về việc học tập, chủ động tiếp cận kiến thức mới, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp...

Chị Mã Thị Bí đã được Huyện ủy Hàm Yên biểu dương, khen thưởng trong thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2022 và được tham dự gặp mặt Người có uy tín, lực lượng cốt cán tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức năm 2022./.

Thu Huyền

Xem thêm