Xã hội

Tuyên Quang: Tín dụng chính sách giúp đồng bào làm du lịch

Tuyên Quang

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Sơn Dương sẽ giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng tăng trưởng cho các xã, thị trấn để giải ngân đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.

Homestay đang được xây dựng của gia đình anh Hoàng Văn Đạo, thôn Tân Lập, xã Tân Trào. (Ảnh: TTXVN phát)

(TTXVN) - Thời gian qua, nguồn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang có thêm nguồn vốn để lao động, sản xuất. Tại một số địa phương, nhiều hộ gia đình là đồng bào dân tộc Tày đã vay vốn tín dụng chính sách để cải tạo ngôi nhà sàn truyền thống làm homestay. Cách làm này vừa phát triển kinh tế hộ gia đình, vừa góp phần phát triển du lịch tại quê hương cách mạng, đồng thời góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bảo các dân tộc thiểu số.

Bà Hoàng Lê Na, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Sơn Dương cho biết, tại huyện Sơn Dương, NHCSXH đang thực hiện cho vay 19 chương trình tín dụng với tổng dư nợ các chương trình đạt 778.701 triệu đồng, cung cấp vốn vay cho 16.844 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Trong đó, chương trình vay Hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đang là một trong số những chương trình tín dụng mà bà con nhân dân có nhu cầu tiếp cận nhiều nhất.

Cũng theo bà Hoàng Lê Na, trước đây, nguồn vốn từ chương trình Hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm thường được bà con sử dụng để chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả, mở bán hàng tạp hóa,... Song gần đây, nhiều hộ gia đình đã sử dụng nguồn vốn vay để làm dịch vụ homestay. Đây không phải là một ngành nghề mới, nhưng việc vay vốn tín dụng chính sách để phát triển loại hình này là nỗ lực, đổi mới tư duy sản xuất, tạo thêm việc làm của các hộ gia đình trong phát triển kinh tế.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sơn Dương thăm mô hình homestay của gia đình chị Ma Thị Phương, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. (Ảnh: TTXVN phát)

Homestay Tiến Phương của gia đình chị Ma Thị Phương, dân tộc Tày, thôn Tân Lập xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng được gần 8 tháng nay. Chị Ma Thị Phương cho biết, trước đây gia đình anh chủ yếu là bán hàng tạp hóa và các nông sản phục vụ khách du lịch tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Nhận thấy nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi của khách du lịch ngày một tăng cao, sau khi bàn bạc , gia đình chị Phương quyết định chuyển đổi làm dịch vụ homsestay.

Tháng 11/2022, gia đình chị Phương mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ chương trình vay Hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Sơn Dương, cùng với số vốn vay mượn của người thân, họ hàng để cải tạo lại căn nhà sàn, mua thêm chăn, đệm và làm phòng ăn tập thể. Mới đi vào hoạt động gần 8 tháng nay, nhưng homestay của gia đình chị Ma Thị Phương đã thu hút được nhiều khách du lịch đến lưu trú dần trở thành điểm dừng chân quen thuộc của nhiều đơn vị khi đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Thấy được hiệu quả từ các mô hình homestay ở địa phương, cùng lợi thế nằm trong Làng văn hóa Tân Lập thôn Tân Lập, xã Tân Trào, tháng 5/2023, gia đình anh Hoàng Văn Đạo, thôn Tân Lập, xã Tân Trào quyết định vay 100 triệu đồng từ nguồn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội để về xây dựng homestay. Anh Hoàng Văn Đạo chia sẻ, những năm gần đây, lượng khách về Tân Trào ngày một đông, các homestay ở Tân Lập ngày một thu hút nhiều sự quan tâm, trải nghiệm của khách du lịch. Nên khi có ý định xây dựng lại nhà ở, anh Đạo đã bàn bạc với gia đình xây nhà sàn bê tông giả gỗ 2 tầng để làm homestay. Theo anh Đạo, chỉnh trang khuôn viên, nhà cửa làm homestay trước hết tạo cảnh quan đẹp đẽ cho chính gia đình mình sau đó là thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế.

Ông Hoàng Đức Soài, Chủ tịch UBND xã Tân Trào, huyện Sơn Dương cho biết, xã Tân Trào hiện có 447 hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 15 tỷ đồng. Trong đó, chương trình cho vay Hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là chương trình có nhiều hộ tiếp cận nhất với 68 hộ vay, dư nợ trên 3,8 tỷ đồng. Thông qua các tổ chức hội nhận ủy thác, nguồn vốn tín dụng chính sách được chuyển đến đúng đối tượng, đúng mục đích. Nhiều hộ gia đình vay vốn có mô hình phát triển kinh tế rất hiệu quả, góp phần đáng kể cho mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, gia đình chị Ma Thị Phương cải tạo lại căn nhà sàn làm homestay mua thêm chăn, đệm và làm phòng ăn tập thể. (Ảnh: TTXVN phát)

Cũng theo ông Hoàng Đức Soài, trong thời gian tới, chính quyền địa phương mong muốn Ngân hàng chính sách xã hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ về vốn để bà con nhân dân xã Tân Trào có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, trong đó có các hộ gia đình đăng ký xây dựng mô hình homestay tại thôn Tân Lập.

Để đảm bảo hỗ trợ tối đa về nguồn vốn tín dụng chính sách cho bà con nhân dân, bà Hoàng Lê Na, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Dương cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chủ động báo cáo, tham mưu trong việc phân giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng tăng trưởng cho các xã, thị trấn để kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Tiếp tục hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch được NHCSXH tỉnh giao về tăng trưởng dư nợ, huy động vốn; Phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác tập trung giải ngân các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách đáp ứng nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, Đơn vị sẽ tiếp tục đề nghị NHCSXH Trung ương, chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn cho vay chương trình tín dụng Hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện./.

Thu Huyền

Xem thêm