Tỉnh Tuyên Quang tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI thuộc các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm tạo nguồn hàng lớn cho xuất khẩu.
TTXVN - Nhằm khai thác tối đa lợi thế xuất nhập khẩu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển nhanh, bền vững, tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trên đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh Tuyên Quang tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI thuộc các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm tạo nguồn hàng lớn cho xuất khẩu như: sản xuất gỗ, các sản phẩm gỗ, chế biến sâu khoáng sản, hàng dệt may, viên nén, hàng điện tử; khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong các khu, cụm công nghiệp theo hướng liên thông, thuận lợi…
Riêng với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Tuyên Quang ưu tiên thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, đặc biệt là công nghệ chế biến sâu, gắn với vùng nguyên liệu để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu.
Đồng thời, triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản hàng hoá, tập trung vào sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản theo chuỗi liên kết đảm bảo chất lượng, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, tập trung phát triển sản xuất, chế biến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, có tính cạnh tranh cao nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, có giá trị gia tăng cao và đáp ứng yêu cầu các thị trường nhập khẩu;…
Tỉnh Tuyên Quang cũng tập trung phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn, xây dựng, củng cố và nâng cấp cơ sở dữ liệu về thị trường, ngành hàng trên cơ sở phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương, Tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời cung cấp, xử lý các vấn đề liên quan đến vướng mắc, khiếu nại về xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nước; đổi mới, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm, dài hạn, hướng vào mặt hàng, thị trường tiềm năng.
Cùng đó, hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực và có lợi thế của tỉnh; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh qua các sự kiện, triển lãm, gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong xúc tiến xuất khẩu; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu; quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý…
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu, đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt giá trị 190 triệu USD; năm 2030, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt giá trị 330 triệu USD. Tăng tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.
Năm 2023, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 150 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Tuyên Quang đạt 71 triệu USD; các mặt hàng chủ yếu được xuất khẩu là chè, giấy đế, bột giấy, hàng dệt may, bột barit, đũa gỗ, giày dép, antimony thỏi…
- Từ khóa:
- Tuyên Quang
- thu hút đầu tư
- chính sách ưu đãi