Văn hóa

Ứng dụng công nghệ vào bảo quản hiện vật bảo tàng

Công nghệ số hóa bảo tàng đã góp phần làm thay đổi góc tiếp cận đối với vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

Khách tham quan triển lãm "Đất nước tôi" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

TTXVN - Việc lưu giữ, bảo quản hiện vật trong hệ thống bảo tàng ở Việt Nam hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải có giải pháp khoa học, hợp lý. Trong "cái khó ló cái khôn", nhiều bảo tàng đã bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin nhằm số hóa hiện vật; quản lý tài liệu, hiện vật, bảo quản phòng ngừa, bảo quản trị liệu, cho đến trưng bày, giáo dục, truyền thông, quảng bá. Có thể nói, công nghệ số hóa bảo tàng đã góp phần làm thay đổi góc tiếp cận đối với vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

* Khó khăn trong bảo quản hiện vật

Theo thống kê của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, công tác kiểm kê, bảo quản và quản lý hiện vật trong đã đạt được một số kết quả bước đầu như: Tiến hành tổng kiểm kê được trên 75% số lượng hiện vật, từ đó chỉnh lý bổ sung gần 9.000 thông tin; lập danh mục hiện vật chưa có số đăng ký, hiện vật cần chỉnh lý, bổ sung thông tin, hiện vật cần ưu tiên bảo quản tu sửa… để có kế hoạch từng bước giải quyết. Bên cạnh đó, Bảo tàng kết hợp bảo quản phòng ngừa với bảo quản trị liệu để hạn chế tối đa sự xuống cấp của hiện vật qua thời gian. Bảo tàng đẩy mạnh số hóa tài liệu, hiện vật trong đó hoàn thành xây dựng phần mềm quản lý hiện vật, triển khai nhập liệu trên 80% phiếu hiện vật để đưa vào khai thác, sử dụng…

Tuy nhiên, công tác kiểm kê, bảo quản và quản lý hiện vật hiện nay tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập như: việc đăng ký, quản lý hiện vật chưa được phân loại khoa học, vẫn còn tồn tại song song hai loại sổ đăng ký dẫn đến việc bị trùng số đăng ký, khó tổng hợp số lượng báo cáo và không đúng với nguyên tắc quản lý hiện vật của bảo tàng học. Hiện vật còn thiếu thông tin cơ bản, việc kiểm kê khoa học chưa hoàn thành…

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế Đinh Thị Hoài Trai cho biết, bảo tàng hiện đang trưng bày, lưu trữ, bảo quản hơn 2.000 tác phẩm mỹ thuật/hiện vật và tư liệu về mỹ thuật, gồm 25 các loại hình: Điêu khắc, hội họa, đồ họa và nghệ thuật đương đại (video Art) với các chất liệu đồng, đá ngọc, nhôm, thạch cao, gốm, composite, gỗ, thảm, vải, giấy, phim, tổng hợp... trong đó gần 300 tác phẩm đang trưng bày, số còn lại đang được lưu giữ, bảo quản ở kho cơ sở.

Khách tham quan triển lãm tại không gian Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Bảo tàng Mỹ thuật Huế. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Việc bảo quản tác phẩm, hiện vật luôn được triển khai thực hiện một cách khoa học và hợp lý, phù hợp với quy định bảo quản hiện vật bảo tàng. Tuy nhiên, do khó khăn về cơ sở vật chất, kho bảo quản, hệ thống trưng bày đều tận dụng công trình cũ sửa chữa cải tạo lại để sử dụng, nên không phù hợp với công năng hoạt động của bảo tàng. Các trang thiết bị tuy được quan tâm đầu tư song còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo quản hiện vật.

Theo bà Đinh Thị Hoài Trai, kho cơ sở của Bảo tàng Mỹ thuật Huế rất hạn hẹp về diện tích và thiếu trang thiết bị phục vụ công tác lưu trữ, bảo quản. Kho lưu trữ hơn 1500 tư liệu, tác phẩm, hiện vật nhưng chỉ có diện tích hơn 100m2, nên không thể đáp ứng yêu cầu của kho lưu trữ tác phẩm nghệ thuật. Vì vậy, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lưu trữ, kiểm kê bảo quản như không thể thực hiện phân loại sắp xếp từng kho theo chất liệu, loại hình để đảm bảo điều kiện bảo quản về nhiệt độ, độ ẩm, cũng như các phương tiện kệ giá phù hợp cho việc sắp xếp tác phẩm, hiện vật một cách khoa học.

Bên cạnh đó, các không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật chưa được đầu tư hệ thống điều hòa, máy hút ẩm, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn, thiếu các thiết bị kỹ thuật như máy đo ánh sáng, máy đo bức xạ tía cực tím, ẩm kế... do đó các tác phẩm đang trưng bày chịu tác động trực tiếp các yếu tố môi trường, khí hậu và yếu tố con người đặc biệt là điều kiện khí hậu khắc nghiệt của địa phương, gây ảnh hưởng lớn đến tình trạng, hiện trạng của tác phẩm và trở thành thách thức lớn với những cán bộ làm công tác bảo quản tại bảo tàng.

Bà Trần Thị Khánh Hồng, Trưởng Phòng Kiểm kê, Bảo quản (Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 22.000 hiện vật, đa dạng về chất liệu, loại hình, trong đó có nhiều bộ sưu tập quý hiếm. Việc sở hữu những bộ sưu tập và hiện vật đa dạng là một trong những thuận lợi trong hoạt động nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và truyền thông của bảo tàng. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo ra thách thức lớn cho Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác bảo quản các sưu tập hiện vật - vốn là “xương sống” cho mọi hoạt động của bảo tàng.

Khách tham quan bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

* Tăng cường ứng dụng công nghệ số

Đề cập về tầm quan trọng của công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật trong bảo tàng, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, công tác kiểm kê hiện vật là một trong các khâu hoạt động nghiệp vụ cơ bản và hết sức quan trọng của bảo tàng. Đó là hoạt động nhằm khẳng định và đảm bảo tính khoa học, tính pháp lý cho từng hiện vật. Công tác kiểm kê ngoài chức năng riêng biệt của mình còn là tiền đề cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu, là cơ sở bước đầu cho mọi hoạt động nghiên cứu khoa học cho các khâu nghiệp vụ khác như: Sưu tầm, bảo quản, xây dựng các bộ sưu tập, tuyên truyền giáo dục, trưng bày và truyền thông quảng bá hình ảnh của bảo tàng. Bên cạnh đó, công tác bảo quản phòng ngừa nhằm kéo dài tuổi thọ cho hiện vật cũng như quản lý tốt hiện vật là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của mỗi bảo tàng, trong đó quản lý, tư liệu hóa, số hóa hiện vật là những hoạt động nghiệp vụ cơ bản, nền tảng đảm bảo cho một bảo tàng vận hành đúng hướng và hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Anh Minh, công tác kiểm kê, bảo quản và quản lý hiện vật tại các bảo tàng mỹ thuật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh thành phố quan tâm, đầu tư kinh phí cho cơ sở vật chất, cũng như các thiết bị để bảo quản và kiểm kê hiện vật, các bảo tàng mỹ thuật đã chủ động từ nguồn lực hạn chế của mình, áp dụng công nghệ vào quản lý hiện vật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho các bộ sưu tập, xây dựng hồ sơ khoa học cho hiện vật đáp ứng quy chuẩn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nhất định, các bảo tàng mỹ thuật trên cả nước nói chung vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Hệ thống kho cơ sở và trang thiết bị bảo quản còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế cũng như về lâu dài của công tác lưu giữ, bảo quản các tác phẩm nghệ thuật theo quy định. Công tác kiểm kê hiện vật còn chưa được triển khai tổng thể, đặc biệt trong kiểm kê khoa học, thông tin về hiện vật còn chưa đầy đủ. Việc thực hiện chuyển đổi số, số hóa thông tin hiện vật có nơi còn chậm; chưa thực hiện quản lý, khai thác thông tin hiện vật bằng phần mềm tin học.

Khách tham quan triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Phương Hà)

Để công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật bảo tàng được thực hiện một cách nghiêm túc, rất cần có sự hỗ trợ, quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, các ban, ngành liên quan.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Trưởng Phòng Kiểm kê, Bảo quản (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, sưu tập hiện vật là “trái tim của bảo tàng”. Do vậy, công tác lưu giữ, bảo quản hiện vật là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của mỗi bảo tàng, trong đó công tác quản lý, tư liệu hóa, số hóa và bảo quản phòng ngừa hiện vật là những hoạt động nghiệp vụ cơ bản, nền tảng đảm bảo cho một bảo tàng vận hành đúng hướng và hiệu quả.

Theo ông Trương Nguyễn Nguyên Kha, Trưởng Phòng Nghiệp vụ (Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng), để công tác kiểm kê có hiệu quả, đặc biệt trong thời đại công nghệ số hiện nay, các bảo tàng cần được đầu tư trang thiết bị máy móc chuyên dụng phục vụ trong công việc sắp xếp, bảo quản hiện vật trong kho và trong khu vực trưng bày. Đồng thời, số hóa các hiện vật, xây dựng một phần mềm mới dễ sử dụng tiện ích, phù hợp với bảo tàng mỹ thuật để thực hiện công tác nhập thông tin dữ liệu, rà soát tìm kiếm và quản lý hiện vật của bảo tàng một cách khoa học hơn...

Đồng quan điểm, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế Đinh Thị Hoài Trai cho rằng, để hiện vật được bảo quản tốt nhất nhằm phục vụ cho công tác trưng bày phục vụ nghiên cứu, thưởng lãm, học tập và phát huy giá trị nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu của công chúng ngày càng tốt hơn, các bảo tàng cần nâng cao trình độ và năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn bảo tàng; làm tốt công tác tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của bảo tàng trong đời sống xã hội; tăng cường giao lưu và hợp tác trong nước và quốc tế về hoạt động chuyên môn nghiệp vụ giữa các bảo tàng… Đặc biệt, các bảo tàng cần quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác bảo quản. Trong đó, chú trọng việc xây dựng chiến lược quản lý dữ liệu tập trung phục vụ cho công tác kiểm kê, bảo quản và đặc biệt phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày được thuận tiện, sáng tạo hơn. Các bảo tàng từng bước hoàn thiện tổ chức kho bảo quản một cách khoa học theo hướng kho mở, để vừa đảm bảo an toàn cho hiện vật, vừa phục vụ nghiên cứu, tra cứu hiện vật nhanh chóng, thuận tiện. Các bảo tàng tăng cường ứng dụng công nghệ trong việc bảo vệ, kiểm soát môi trường trưng bày, các thiết bị cảm ứng nhiệt, độ ẩm và các thiết bị quan sát ban đêm là các ứng dụng hữu ích cho việc kiểm soát môi trường trong trưng bày; kiểm soát an ninh, an toàn cho hiện vật trưng bày đảm bảo không bị đánh cắp…

Có thể nói, công tác giữ gìn, bảo quản những hiện vật - tài sản văn hóa quý giá do cha ông ta để lại là trách nhiệm, đồng thời cũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý cũng như cán bộ làm chuyên môn bảo tàng phải nỗ lực, để nâng cao hiệu quả công tác bảo quản hiện vật bảo tàng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân; đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật, qua đó đưa bảo tàng trở thành điểm đến quen thuộc, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước./.


Phương Hà

Tin liên quan

Xem thêm