Năm 2023, cơ quan tư pháp địa phương hoàn thành tốt những nhiệm vụ đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, UBND các cấp; chủ động đề xuất những giải pháp, cách làm mới để đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của đơn vị, của ngành.
TTXVN - Ngày 9/12, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của ngành Tư pháp tỉnh Hậu Giang trong thực hiện công tác tư pháp năm 2023. Ngành Tư pháp tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng hoàn thiện thể chế, góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thi hành án dân sự và công tác tư pháp; thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp các cấp. Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ tại địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết công việc hiệu quả; kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2023, ngành Tư pháp tỉnh đã thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra; góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong năm, UBND tỉnh cho chủ trương và trình Thường trực HĐND tỉnh cho chủ trương ban hành 55 văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn đã gửi Sở Tư pháp thẩm định 42 văn bản. Tất cả văn bản thẩm định đều đảm bảo tiến độ, ban hành đúng quy định, khả thi, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế ở địa phương và có tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2023, cơ quan tư pháp địa phương còn tham mưu hoàn thành tốt những nhiệm vụ đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, UBND các cấp; chủ động đề xuất những giải pháp, cách làm mới để đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của đơn vị, của ngành.
Song song đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Công tác cải cách hành chính trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp được tập trung rà soát, đề xuất cắt giảm, góp phần phục vụ tốt yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Toàn tỉnh đã tổ chức 2.536 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp với trên 184.000 lượt người dự, tổ chức 6 hội nghị triển khai luật ở cấp tỉnh; hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật được đổi mới, nâng cao chất lượng, có chiều sâu.
Theo Sở Tư pháp, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp của tỉnh còn một số hạn chế nhất định. Việc theo dõi thi hành pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đi vào chiều sâu. Tình hình vi phạm trong một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp vẫn còn xảy ra. Một vài đơn vị cấp huyện còn chậm trong thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp, đặc biệt là việc chấp hành chế độ báo cáo thống kê, nội dung báo cáo chưa đầy đủ, số liệu thiếu chính xác…/.
- Từ khóa:
- Hậu Giang
- lĩnh vực tư pháp
- công nghệ thông tin