Sức khỏe

Ưu tiên huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống lao

Với xu hướng các nguồn tài trợ quốc tế ngày càng bị cắt giảm do Việt Nam đã là quốc gia có thu nhập trung bình, việc huy động các nguồn lực trong nước đặc biệt là nguồn lực địa phương cho công tác phòng chống lao ngày càng trở nên cấp thiết

Ngày 12/9, tại Tiền Giang, Bệnh viện Phổi Trung ương-Chương trình chống lao quốc gia, dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao, Sở Y tế Tiền Giang phối hợp tổ chức Hội thảo vận động tăng cường cam kết của địa phương cho công tác phòng, chống lao, với sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố là Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Tây Ninh, Bình Dương và Đồng Nai.

Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia phát biểu tại hội thảo
Ảnh: Tạ Khánh

*Vẫn còn 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện

Tại hội thảo, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia cho biết, Việt Nam là một trong những nước có số người bệnh lao và kháng thuốc bệnh lao cao trên thế giới. Hàng năm, nước ta có trên 10 nghìn người tử vong do bệnh lao gây ra; vẫn còn khoảng 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện đang tiếp tục lây truyền bệnh lao trong cộng đồng. Bên cạnh đó, nguồn lực cho công tác phát hiện, điều trị lao ở Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của các dự án quốc tế… Các đầu tư từ nguồn ngân sách chính phủ và địa phương cho công tác phòng, chống lao trong những năm qua vẫn còn hạn hẹp.

“Với xu hướng các nguồn tài trợ quốc tế ngày càng bị cắt giảm do Việt Nam đã là quốc gia có thu nhập trung bình, việc huy động các nguồn lực trong nước đặc biệt là nguồn lực địa phương cho công tác phòng chống lao ngày càng trở nên cấp thiết”, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng cho biết. Đồng thời cho rằng, ngoài đảm bảo về tài chính thì việc vận động xây dựng các chính sách hỗ trợ, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực tham gia công tác phòng, chống lao tại tất cả các tuyến đặc biệt tuyến y tế cơ sở, sự cam kết và vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các tổ chức xã hội và cộng đồng cùng nỗ lực chung tay phòng, chống lao cũng vô cùng quan trọng.

Việc tổ chức hội thảo nhằm hướng đến việc hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí để triển khai các hoạt động nâng cao năng lực hệ thống phòng, chống lao, tăng cường phát hiện, điều trị dự phòng lao và thúc đẩy vai trò tự chủ của địa phương trong ứng phó bệnh lao, Giám đốc viện Phổi trung ương nhấn mạnh.

* Nâng cao năng lực hệ thống phòng, chống lao

Phó Giám đốc viện Phổi trung ương Vũ Xuân Phú phát biểu tại hội thảo
Ảnh: Tạ Khánh

Để hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, Chương trình Chống lao Quốc gia đã phối hợp với tổ chức FHI 360 triển khai Dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt Bệnh lao thông qua các hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí để triển khai các hoạt động nâng cao năng lực hệ thống phòng, chống lao, tăng cường phát hiện, điều trị dự phòng lao và thúc đẩy vai trò tự chủ của địa phương trong ứng phó với bệnh lao.

Từ năm 2020, dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt bệnh lao hỗ trợ 12 tỉnh tham gia dự án áp dụng chiến lược 2X (sử dụng máy X-quang ngực là chỉ định đầu tiên cho người nguy cơ mắc lao, tiếp theo là xét nghiệm GeneXpert/Truenat cho các trường hợp có X-quang ngực bất thường nghi lao) để tăng cường chẩn đoán lao hoạt động tại cộng đồng và cơ sở y tế. Chiến lược 2X đã giúp phát hiện ca bệnh lao cao gấp 8-15 lần so với tỷ lệ nhiễm mới toàn quốc và đã được nhân rộng trên cả nước với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án.

Từ tháng 8/2020-7/2024, dự án đã hỗ trợ phát hiện hơn 24.000 người mắc lao và hơn 12.000 người nhiễm lao tiềm ẩn; 100% cơ sở y tế tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại các tỉnh dự án hỗ trợ đã kiện toàn đáp ứng điều kiện thanh toán khám bệnh, chữa bệnh và thuốc lao qua bảo hiểm y tế. 

Dự án hỗ trợ việc triển khai cấp phát thuốc lao qua bảo hiểm y tế tuyến xã/phường, tạo điều kiện cho bệnh nhân lao nhận thuốc điều trị gần nơi sinh sống, góp phần giảm tỷ lệ bỏ trị của người bệnh. Đã có 87% trạm y tế xã trên địa bàn các tỉnh dự án hỗ trợ đã triển khai phát thuốc lao hàng 1, trong đó một số tỉnh đạt tỷ lệ 100% như Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, các tỉnh còn lại trên 80%.

Thạc sĩ, bác sĩ Mai Thu Hiền, Giám đốc Dự án Usaid hỗ trợ chấm dứt bệnh lao thuộc Tổ chức FHI 360 phát biểu tại hội thảo
Ảnh: Tạ Khánh

* Triển khai đồng bộ, thường xuyên

Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cho biết, ngày 5/9/2024 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2627/QĐ – BYT về việc ban hành Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế nhằm chuẩn hoá và đồng bộ hoạt động phát hiện chủ động và tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp trên toàn quốc, phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng trong công tác phòng, chống lao.

“Đây là cơ sở để các tỉnh, thành phố trên toàn quốc huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ban/ngành đoàn thể tích cực tham gia các hoạt động tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam”, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng nhấn mạnh.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống lao, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp với các Sở có liên quan tham mưu, đề xuất, vận động UBND tỉnh về định hướng phòng, chống lao, các giải pháp cần thực hiện để huy động nguồn lực và bố trí tăng cường ngân sách địa phương hàng năm cho kế hoạch phòng, chống lao của tỉnh giai đoạn 2024-2025 và giai đoạn tiếp theo 2026-2030.

Các đại biểu dự hội thảo
Ảnh: Tạ Khánh

Bên cạnh đó, chỉ đạo, phối hợp đơn vị đầu mối chống lao tuyến tỉnh khẩn trương xây dựng định mức chi cho các hoạt động phòng chống lao thiết yếu tại tỉnh và sớm trình UBND/HĐND tỉnh phê duyệt.

Các cơ sở y tế, trong và ngoài công lập đảm bảo thực hiện thường quy hoạt động tăng cường phát hiện bệnh nhân lao, phối hợp chuyển gửi người nghi lao đi khám và điều trị; từng bước xây dựng các chính sách hỗ trợ cho người bệnh lao khó khăn, người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế, thẻ chưa có hiệu lực, hoặc người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt không thể trả chi phí đồng chi trả…

“Ngoài ra, để bảo đảm phát hiện sớm và điều trị hiệu quả bệnh lao, ngành y tế địa phương cần ban hành các quy định và triển khai đồng bộ, thường xuyên với hoạt động phát hiện bệnh lao tích cực tại tất cả các cơ sở y tế trong và ngoài công lập”, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng đề nghị./.

 

Tạ Khánh

Xem thêm