UBND huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long phối hợp với các đơn vị có liên quan giải quyết việc các hộ nuôi lươn bằng nước từ giếng khoan trên địa bàn xả nước thải gây chết cây trồng.
Ngày 22/8, Ủy ban nhân dân huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức họp dân, đối thoại công bố kết quả giải quyết yêu cầu của người dân bị ảnh hưởng cây trồng và việc nuôi lươn bằng nước giếng khoan tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ.
Trước đó, vào ngày 22/3/2024, một số hộ dân xã Bình Hòa Phước có đơn phản ánh về việc các hộ nuôi lươn bằng nước từ giếng khoan trên địa bàn xả nước thải gây chết cây trồng. Qua phản ánh, ngành chức năng đã thành lập đoàn khảo sát vụ việc. Kết quả, qua nhiều đợt kiểm tra, khảo sát tại các hộ nuôi và đo độ mặn trong mương vườn, đoàn ghi nhận một số diện tích vườn cây ăn trái bị chết, người dân phải đốn bỏ; nhiều vườn cây bị ảnh hưởng chết nhánh, đọt, cháy lá từ 20-60%.
Để khắc phục, UBND huyện Long Hồ đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện thường xuyên theo dõi độ mặn để dự báo, cảnh báo giúp người dân tưới cây kết hợp với mùa mưa để rửa mặn, tập huấn cho các hộ chuyển sang sử dụng nước mặt để nuôi lươn. Kết quả, đến nay 36/36 hộ dân nuôi lươn đã trám lấp 57/57 giếng, ngưng sử dụng nước giếng hoàn toàn và đã chuyển sang sử dụng nước mặt để nuôi lươn hoặc chuyển sang nuôi các loại con giống khác. Qua khắc phục cũng cho thấy, nguồn nước thải từ việc nuôi lươn ra môi trường hiện nay đạt quy chuẩn theo quy định, đặc biệt là chỉ tiêu Clorua (muối).
Phát biểu tại buổi đối thoại, đa số các hộ trồng cây không thống nhất với kết luận nguyên nhân cây trồng bị thiệt hại không phải chỉ bị ảnh hưởng từ nước xả thải trực tiếp của hộ nuôi lươn ra sông, rạch gây ra mà còn do nhiều yếu tố khác gây nên như: do thời tiết nắng nóng, hạn mặn kéo dài, nhiệt độ môi trường tự nhiên cao, biện pháp canh tác của các hộ dân khác nhau…; đồng thời chưa thống nhất phương án hỗ trợ 50% cây giống để tái sản xuất của địa phương.
Các hộ trồng cây đề nghị lãnh đạo địa phương cần đánh giá xác định lại nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây trồng thiệt hại; xác định rõ trách nhiệm và hướng xử lý trong việc các hộ dân tự ý khoan giếng lấy nước nuôi lươn diễn ra trong nhiều năm qua, bởi UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản về cấm khai thác nước dưới đất, trong đó có khu vực huyện Long Hồ từ năm 2018…
Anh Trương Thanh Phong (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) cho biết, đến thời điểm này, thiệt hại của người trồng cây ăn trái là rất lớn, do đó địa phương cần phải xác định cụ thể, chính xác nguyên nhân dẫn đến sự việc để có hướng giải quyết thỏa đáng. Đối với phương án hỗ trợ 50% cây giống phục hồi sản xuất, người nông dân rất mừng, tuy nhiên đề nghị cần phải khảo sát chính xác lại thiệt hại, xem xét có phương án, chính sách hỗ trợ phù hợp, quan tâm hỗ trợ tạm thời trong thời gian tái sản xuất phục hồi vườn cây ăn trái, bởi lẽ việc này phải diễn ra trong thời gian dài, mất nhiều chi phí. Ngoài ra, địa phương cần xem xét đưa ngành nghề nuôi lươn thành nghề nuôi có điều kiện và có quy định khu vực nuôi cụ thể.
Tại cuộc họp, đại diện các hộ nuôi lươn cho biết, do không nắm rõ các quy định về việc không khoan giếng khai thác nước nên đã thực hiện khoan giếng để nuôi lươn. Ngay khi có thông báo từ cơ quan chức năng, các hộ đã khắc phục bằng cách đóng giếng, chuyển sang sử dụng nước mặt hoặc nuôi con khác để không sử dụng nước giếng. Một số hộ cũng đã thiệt hại do phải bán lươn “non” để chuyển sang nuôi con khác. Các hộ nuôi lươn cho rằng, theo thông báo từ cơ quan chuyên môn đã xác định một số nguyên nhân dẫn đến cháy lá, chết cây không phải chủ yếu đến từ nguồn nước xả thải do nuôi lươn, do đó cần phải tôn trọng các kết luận chính thức từ ngành chức năng; đề nghị địa phương giải quyết vấn đề, tạo điều kiện để người nuôi lươn hoạt động nghề.
Chia sẻ với khó khăn của người dân, Chủ tịch UBND huyện Long Hồ Phan Thị Mỹ Hạnh cho biết, khi tiếp nhận các ý kiến của người dân, huyện đã thành lập các đoàn khảo sát, phối hợp với các ngành chuyên môn để đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Thời gian qua, huyện đã đồng hành để từng bước hỗ trợ người dân giảm tác nhân gây ảnh hưởng vườn cây ăn trái, xây dựng đề án hỗ trợ tái sản xuất cho nhà vườn và chuyển đổi công nghệ, con giống đối với các hộ chăn nuôi.
Đối với ý kiến trong việc thực hiện quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Long về vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, trong đó có huyện Long Hồ nhưng các hộ dân nuôi lươn vẫn khoan giếng lấy nước sử dụng, bà Phan Thị Mỹ Hạnh cho rằng, trong quá trình diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là xâm nhập mặn trên địa bàn huyện từ năm 2019 nên công tác quản lý, xử lý những trường hợp khoan giếng của địa phương chưa tốt. UBND huyện sẽ tiến hành khảo sát và sẽ trả lời chính thức cho người dân về quá trình xử lý.
Bà Phan Thị Mỹ Hạnh cho biết, theo kết quả đánh giá chính thức của các cơ quan chuyên môn về tài nguyên môi trường và nông nghiệp của tỉnh, việc ảnh hưởng của vườn cây trong thời gian qua là có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thải nước mặn từ các bể nuôi lươn. Việc xử lý đối với nguyên nhân từ các bể nuôi lươn thải ra môi trường đã được huyện chỉ đạo thực hiện bằng cách đóng các giếng khoan, hỗ trợ các hộ nuôi lươn chuyển sang nước mặt hoặc các loại con giống khác. Đồng thời, ngành chức năng cũng tiến hành lấy mẫu nước thải từ các hộ nuôi lươn bằng nước mặt để đánh giá. Kết quả hệ thống nước thải được thải ra hiện nay vẫn trong khuôn khổ quy chuẩn quy định của pháp luật.
Đối với trách nhiệm của cán bộ trong quá trình xảy ra và giải quyết vụ việc, địa phương đang tiến hành xem xét và sẽ trả lời chính thức cho người dân ngay sau khi cơ quan chuyên ngành khảo sát, đánh giá cụ thể.
Chủ tịch UBND huyện Long Hồ nhấn mạnh, địa phương chia sẻ với khó khăn của người nông dân và đã đề xuất chính sách hỗ trợ để đồng hành giải quyết. Địa phương mong muốn người dân cùng cộng đồng trách nhiệm, cùng giám sát quá trình giải quyết vụ việc, đồng thời gắn kết hài hòa lợi ích để góp phần phát triển các mô hình kinh tế ở địa phương trong thời gian tới./.