Ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc triển khai các kỹ thuật mới, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh theo hướng chuyên sâu, đáp ứng sự hài lòng của người dân.
TTXVN - Chiều 29/12, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển sự nghiệp Y tế Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngành Y tế Vĩnh Phúc hoàn thành đạt và vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu cơ bản so với cả nước và vùng Đồng bằng sông Hồng. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 16,9 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 40,5 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2023 đạt gần 94%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: cân nặng theo tuổi 7,1%, chiều cao theo tuổi 8,9%...
Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được đầu tư đúng hướng, các bệnh viện, trung tâm được xây mới, nâng cấp, do vậy, chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập không ngừng nâng lên ở 3 cấp. Tỉnh đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 2 công trình trọng điểm là Bệnh viện Đa khoa tỉnh công suất 1.000 giường bệnh và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh với 500 giường bệnh. Các Trung tâm Y tế tuyến huyện, xã được xây dựng, nâng cấp theo hướng mở, hiện đại.
Năm 2023, ngành Y tế thực hiện khám, chữa bệnh cho gần 2 triệu lượt người; điều trị nội trú cho gần 250.000 lượt bệnh nhân; công suất sử dụng giường bệnh đạt 154%. Kết quả thực hiện tỷ lệ danh mục kỹ thuật theo phân tuyến, trung bình đạt 72,5% tại tuyến tỉnh, 42,2% tại tuyến huyện.
Ngành Y tế triển khai các kỹ thuật mới, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh theo hướng chuyên sâu, đáp ứng sự hài lòng của người dân.
Năm 2023, ngành Y tế Vĩnh Phúc triển khai 992 kỹ thuật mới, trong đó, có nhiều kỹ thật cao như: Phẫu thuật mở nắp sọ sinh thiết tổn thương nội sọ, phẫu thuật dị dạng động - tĩnh mạch não, phẫu thuật vi phẫu mạch máu thần kinh, phẫu thuật bơm xi măng cột sống, phẫu thuật thay khớp háng - khớp gối nhân tạo, phẫu thuật nối chi thể đứt rời hoàn toàn, đốt sóng cao tần điều trị u gan dưới hướng dẫn siêu âm, đốt sóng cao tần điều trị các u tạng dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính... góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại tuyến tỉnh mà không cần chuyển tuyến Trung ương.
Vĩnh Phúc tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Hiện nay, 136/136 trạm y tế có bác sĩ làm việc, 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi, trên 96% người dân được khám và quản lý sức khỏe cá nhân.
Cùng với thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, ngành Y tế đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai bệnh án điện tử tại 3 cơ sở y tế tuyến tỉnh theo đúng quy định của Bộ Y tế, tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, đa dạng dịch vụ chăm sóc sức khỏe để làm hài lòng người dân.
Năm 2024, ngành Y tế Vĩnh Phúc tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác khám, chữa bệnh. Cùng với đó, chú trọng đào tạo chuyên sâu, đào tạo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao, chuyển giao công nghệ hiện đại, đa dạng dịch vụ y tế, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. /.