Sức khỏe

Bệnh lý hô hấp tăng nhanh, nhiều ca diễn biến nặng

Thừa Thiên Huế

Không riêng người bệnh cao tuổi, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận số lượng bệnh nhi khám, nhập viện tăng cao. Hầu hết các bệnh nhi đến viện trong tình trạng sốt cao, ho nhiều kéo dài.

TTXVN - Thời tiết mưa lạnh kéo dài khiến số ca bệnh hô hấp tại Thừa Thiên - Huế tăng nhanh ở người lớn lẫn trẻ em, trong đó, có những trường hợp chuyển biến nặng, phải cấp cứu thở oxy, khí dung.

Thời tiết chuyển lạnh là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển, kích ứng đường hô hấp gây ra các bệnh như, viêm phế quản, viêm màng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản… Hơn 10 ngày qua, bệnh nhân đến khám ngoại trú và nhập viện tại Khoa Nội tiết, Thần kinh - Hô hấp (Bệnh viện Trung ương Huế) tăng lên đột biến. Mỗi ngày, trung bình, đơn vị tiếp nhận 10-15 bệnh nhân, trong đó, hơn 50% là bệnh về hô hấp.

Theo bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bạch Oanh, Phó trưởng Khoa Nội tiết, Thần kinh - Hô hấp, các bệnh nhân lớn tuổi hoặc có tiền sử bệnh hô hấp mãn tính thường có biểu hiện bệnh nặng hơn khi gặp thời tiết lạnh. Không ít trường hợp vào viện những ngày qua trong tình trạng nặng phải được cấp cứu đa khoa hay hồi sức tích cực.

Ngồi thở khí dung trên giường bệnh, ông Nguyễn M.A (79 tuổi, phường An Hòa, thành phố Huế) liên tục đưa tay vỗ vào ngực và ra hiệu với y tá. Sau khi được tiêm và uống thuốc, cơ thể ông mới dần ổn định. Ông cho biết, bản thân mắc bệnh viêm phế quản mãn tính. Sau khi từ Hà Nội về, liên tục gặp trời rét lạnh, ông xuất hiện cơn đau ngực, khó thở kèm sốt. May mắn, ông được người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời.

Không riêng người bệnh cao tuổi, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận số lượng bệnh nhi khám, nhập viện tăng cao. Hầu hết các bệnh nhi đến viện trong tình trạng sốt cao, ho nhiều kéo dài. Một số trường hợp nặng phải thở oxy. Tại Phòng khám cấp cứu Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Trung ương Huế), tất cả giường bệnh đã kín.

Bà Phạm T.H (bà ngoại bé L) chia sẻ, cháu bà bị sốt từ tuần trước nhưng nhẹ nên gia đình chủ quan cho ở nhà tự điều trị. Vài ngày sau, cháu ăn uống khó khăn, nôn nhiều, người gần như lả đi vì kiệt sức. Gia đình đưa cháu vào nhập viện và được bác sỹ khám, chỉ định làm xét nghiệm cần thiết.

Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Kiều Lộc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu nhi, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế lưu ý, điểm đặc biệt ở đợt bệnh này là tình trạng bệnh ho kéo dài. Trường hợp trẻ ho kèm triệu chứng sốt, không ngủ được, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện để thăm khám. Ngoài ra, người nhà cần cho trẻ uống nước ấm nhiều hơn và ăn uống từng ít một, tránh bị nôn.

Dự báo không khí lạnh tiếp tục tăng cường đến đầu năm 2024. Để ứng phó với tình hình này, ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường chống rét cho bệnh nhân. Tại các khoa của Bệnh viện Trung ương Huế, đặc biệt các khoa đặc thù có nhiều trẻ nhỏ, người cao tuổi, bệnh nhân và người nhà được cung cấp máy sưởi, chăn ấm. Các buồng bệnh được đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho người bệnh.

Là địa bàn chịu ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt nhất, huyện miền núi A Lưới đón nhận đợt rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13-15 độ C, kèm mưa. Điều này khiến sức khỏe người dân bị ảnh hưởng, nhất là người già và trẻ em.

Tổ công tác xã hội cùng các khoa, phòng của Trung tâm Y tế huyện A Lưới trang bị phương tiện giữ ấm và tặng quần áo ấm, mũ len cho bệnh nhân đến điều trị. Địa phương tích cực vận động nguồn hỗ trợ để tiếp nhận áo quần ấm vào “Tủ quần áo tình thương” cung cấp kịp thời cho bệnh nhân khi có nhu cầu./.

Mai Trang

Tin liên quan

Xem thêm