Thời sự

Vĩnh Phúc tạo thuận lợi cho nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đối với nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Công khai các thông tin về các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị đủ điều kiện huy động vốn. (Ảnh TTXVN)

TTXVN - Kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phát triển mạnh, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, đã kéo theo nhiều lao động từ các địa phương đến tìm việc làm, sinh sống tại tỉnh. Do đó, nhu cầu về nhà ở cho công nhân lao động cũng tăng cao. Tỉnh Vĩnh Phúc đã kêu gọi đầu tư nhiều dự án nhà ở xã hội cho công nhân.

Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Tiếp tục thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản đồng ý triển khai nhiều khu vực dự kiến đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội phục vụ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 183,39 ha.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đối với nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Theo quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất/tiền thuê đất khi được Nhà nước giao đất/cho thuê đất.

Hiện nay, ngoài các dự án đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng (1.623 căn), các dự án đang triển khai cũng gặp những khó khăn, vướng mắc. Điển hình như điểm d, khoản 1, Điều 58 của Luật Nhà ở quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này”.

Cần xác định chính xác kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội làm cơ sở để UBND tỉnh hỗ trợ (tính theo dự toán do chủ đầu tư phê duyệt hay chờ sau khi hoàn thành công trình tính theo giá trị quyết toán…).

Do dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, tổng mức đầu tư dự án, dự toán xây dựng các công trình của dự án do chủ đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt, việc quyết toán chi phí đầu tư xây dựng do chủ đầu tư tự thực hiện, các cơ quan quản lý nhà nước không có kiểm soát những chi phí này.

Một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với lượng công nhân và người lao động lớn nên có nhu cầu đặt hàng chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đầu tư xây dựng khu nhà ở cho người lao động của mình hoặc có nhu cầu mua lại cả tòa nhà đứng tên doanh nghiệp để làm ký túc xá cho công nhân ở.

Tuy nhiên, theo quy định tại điều 49, Luật Nhà ở 2014 và điều 22, Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội thì doanh nghiệp không phải đối tượng để được mua nhà ở xã hội. Vì vậy, việc các doanh nghiệp sản xuất đề xuất mua nhà ở, đất ở thuộc các dự án nhà ở xã hội để cho công nhân, người lao động thuộc đơn vị thuê là không có cơ sở.

Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn (lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án đối với trường hợp bán nhà ở xã hội không được vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư; đối với nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua thì lợi nhuận không được quá 15% tổng chi phí đầu tư). Tỉnh đang đề xuất các bộ, ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để tăng sức hấp dẫn thu hút nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân.

Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh theo đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; trong đó, Vĩnh Phúc phải hoàn thành 8.800 căn nhà trong giai đoạn 2022-2025 và 19.500 căn nhà trong giai đoạn 2026-2030. Đây là mục tiêu lớn, đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm rất lớn của các ban ngành liên quan để hoàn thành...

Tính riêng năm 2023, nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh là 8.606 tỷ đồng; trong đó, vốn xây dựng nhà ở thương mại là 2.748 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở xã hội là 164 tỷ đồng và vốn của hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng là 5.694 tỷ đồng...

 Đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội

Hiện nay, tổng số công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc là 123.207 người, tập trung ở nhiều khu công nghiệp như: Khai Quang 42.825 lao động; Bình Xuyên và Bình Xuyên 2 là 17.530 lao động; Bá Thiện 1 và Bá Thiện 2 là 32.935 lao động...

Qua khảo sát, địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng trên 20.000 công nhân đang ở trọ tại 2.074 nhà trọ trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, huyện Bình Xuyên. Công nhân tại các khu công nghiệp đang phải sinh sống trong phòng trọ do tư nhân xây dựng cho thuê hầu hết đều rất chật hẹp, diện tích sử dụng chỉ từ 3-5m2/người.

Theo ông Lê Đức Thế, Trưởng Phòng Quản lý nhà, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, hiện tỉnh đã có 13 dự án nhà ở xã hội, tập trung chủ yếu ở đô thị lớn và huyện có nhiều khu công nghiệp như Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bình Xuyên. Tổng diện tích đất của các dự án này là 65,4 ha. Tổng diện tích sàn nhà ở là 961.378 m2, tổng số căn nhà là 10.143 căn;, trong đó 732 căn nhà thấp tầng, diện tích sàn 160.698 m2, 9411 căn nhà chung cư, diện tích sàn 800.680 m2. Các dự án này đều được triển khai phù hợp với các quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.

Trong tổng số các dự án nêu trên, đã có 5 dự án đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng 1.623 căn nhà ở xã hội gồm: Khu nhà ở công nhân và người thu nhập thấp Khu công nghiệp Khai Quang; Khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai; Khu nhà ở Công ty Honda Việt Nam; Khu nhà ở xã hội phường Liên Bảo...

Bên cạnh đó, 4 dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, đang triển khai, tiến độ dự kiến hoàn thành cuối năm 2023 và năm 2024 (Khu nhà ở công nhân và công trình dịch vụ công cộng Phoenix Town tại thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên; Khu nhà ở xã hội tại phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên; Khu nhà ở xã hội cao tầng cho công nhân tại khu vực Gốc Nụ, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên; Khu nhà ở xã hội tại thôn Rừng Cuông, xã Thiện kế, huyện Bình Xuyên).

Các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn tỉnh đều được bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật tại từng thời điểm. Đa số các dự án chủ đầu tư nhà ở thương mại, khu đô thị được giao đầu tư phần nhà ở xã hội trong dự án./.

PV

Xem thêm