Vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng: Khó khăn trong tiếp nhận, thống kê tình trạng của các bé
Để chăm sóc, bảo vệ tốt nhất cho các bé, Sở đã giao cho 3 cơ sở bảo trợ xã hội công lập tiếp nhận toàn bộ 84 trẻ và đang được quản lý theo số hiệu vì chưa có giấy tờ.
Liên quan đến vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, ngày 6/9, bà Nguyễn Thành Phụng (Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Mái ấm Hoa Hồng không có đầy đủ giấy tờ thông tin trẻ, do đó việc tiếp nhận, thống kê ban đầu về số lượng, tình trạng của các bé rất khó khăn.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, Phòng Bảo trợ xã hội cùng phòng Bảo vệ trẻ em đã cử tổ công tác đến cơ sở để hỗ trợ địa phương xử lý vụ việc. Thời điểm đó, lượng công việc xử lý rất lớn, địa phương và các trung tâm bảo trợ phải tiến hành đối chiếu tình hình sức khỏe, thực hiện biên bản giao nhận từng trẻ. Tuy nhiên, số lượng trẻ không thống kê cụ thể vì Mái ấm Hoa Hồng không có đầy đủ giấy tờ, thông tin về trẻ.
Để chăm sóc, bảo vệ tốt nhất cho các bé, Sở đã giao cho 3 cơ sở bảo trợ xã hội công lập tiếp nhận toàn bộ 84 trẻ và đang được quản lý theo số hiệu vì chưa có giấy tờ. Tuy nhiên, các đơn vị tiếp nhận đang gặp áp lực lớn do phải tiếp nhận số lượng các bé, bất ngờ nên đội ngũ nhân sự rất vất vả, nhất là Trung tâm Nuôi dưỡng - Bảo trợ trẻ em Gò Vấp tiếp nhận 15 trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, trong đó có 1 bé có biểu hiện bị tim bẩm sinh và 1 bé theo dõi tim bẩm sinh, có khối u ở đầu, đang phải thở oxy nên trung tâm phải bố trí bảo mẫu chăm sóc 24/24 giờ.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng - Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, 2 trẻ biểu hiện bệnh đã được đưa đi khám lâm sàng, các trẻ còn lại khỏe mạnh. Khó khăn hiện nay là thiếu giáo viên, bảo mẫu để đảm bảo chăm sóc tốt nhất cho tất cả trẻ. Vì trẻ sơ sinh thường phải được chăm sóc 24/24 giờ, cho uống sữa 4-8 lần/ngày, mỗi bảo mẫu chỉ chăm được 2-3 trẻ. Với các trẻ bị bệnh hay khuyết tật thì mỗi bảo mẫu chỉ chăm 1 trẻ, ông Hải chia sẻ.
Ông Đinh Hữu Tuyến, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình, nơi tiếp nhận 32 trẻ từ 1 tuổi đến 6 tuổi, chia sẻ khó khăn về giáo viên, bảo mẫu chăm sóc trẻ. Trước mắt, nhân viên trung tâm nỗ lực có thể đảm bảo công tác nhưng về lâu dài cần bổ sung thêm nhân sự để đảm bảo chăm sóc trẻ cho tốt.
Từ thực tiễn này, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị rà soát lại tình hình biên chế, tuyển dụng để báo cáo đề xuất; các trung tâm tiếp nhận thực hiện mọi biện pháp có thể để chăm cho các cháu tốt nhất.
Để những vụ việc như ở Mái ấm Hoa Hồng không tái diễn, ông Lê Văn Thinh đề xuất xử lý nghiêm, có tính răn đe, cảnh tỉnh; tăng cường kiểm tra tất cả 80 cơ sở bảo trợ xã hội, không để lọt sót sai phạm, xảy ra sự việc đau lòng.
Sở sẽ tham mưu UBND Thành phố rà soát các cơ sở bảo trợ xã hội; tăng cường tiếp nhận và kiểm tra thông tin phản ánh tiêu cực, kể cả trên mạng xã hội để đảm bảo xử lý kịp thời.../.