Khai tại tòa, bị cáo Đào Minh Dương (Giám đốc Công ty Cổ phần Vijasun) cho biết quá trình làm thủ tục xin cấp phép chuyến bay tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã bị ép đưa tiền và bị Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) gây khó khăn.
TTXVN - Sau gần 1 ngày đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng, cuối giờ chiều 11/7, phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ “Chuyến bay giải cứu” về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được tiến hành với phần xét hỏi của Hội đồng xét xử.
Bị cáo Đào Minh Dương (Giám đốc Công ty Cổ phần Vijasun) là người đầu tiên bị Hội đồng xét xử thẩm vấn. Khai tại tòa, bị cáo Dương cho biết đã nộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao). Quá trình làm thủ tục xin cấp phép, bị cáo Dương không liên hệ với cá nhân nào để xin được cấp phép. Tuy nhiên, bị cáo Dương bị ép đưa tiền và bị Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) gây khó khăn.
Theo bị cáo Dương, ban đầu bị cáo đã nộp hồ sơ xin tổ chức chuyến bay tại 5 Bộ theo đúng quy định, song liên tục bị Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông Vận tải từ chối, gây khó khăn vì không "làm việc" với họ.
Mặt khác, việc cấp phép lại chỉ được thông báo trước khi tổ chức chuyến bay 1 ngày, khiến cho bị cáo Dương gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân người dân cũng cần có thời gian trả nhà, thu xếp đồ đạc để chuẩn bị bay về nước mà chỉ được biết trước một ngày nên cũng rất bất cập.
Sau khi bị gây khó khăn, bị cáo Dương khai đã phải chuyển hướng sang xin tại Cục quản lý Xuất nhập cảnh, thông qua bị cáo Vũ Anh Tuấn (cựu Phó phòng tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) và qua bị cáo Phạm Trung Kiên (khi đó là thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế). Song bị cáo Dương cũng luôn bị những người này "quát tháo, ép đưa tiền". Bị cáo Phạm Trung Kiên ra giá 150 triệu đồng cho mỗi chuyến bay, còn bị cáo Vũ Anh Tuấn nói “không muốn thu tiền, nhưng nếu không đưa tiền thì sếp không ký, thì cũng không bay được”.
Bị cáo Dương cũng khai để được tổ chức 22 chuyến bay, bị cáo phải đưa bị cáo Tuấn 1,6 tỷ đồng, đưa cho bị cáo Kiên 1,1 tỷ đồng. Ngoài ra, cáo trạng còn buộc tội bị cáo Dương đã đưa hơn 860 triệu đồng cho bị cáo Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ Việt Nam ở Angola) để đưa khách lẻ về nước. Giải thích việc này, bị cáo Dương nói do bị cáo Minh chủ động đề xuất và ra giá 3 triệu đồng/khách.
Tương tự bị cáo Dương, bị cáo Phan Thị Mai (Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Sao Hà Nội) khai khi thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước đều bị gây khó khăn và bị bị cáo Vũ Anh Tuấn, bị cáo Phạm Trung Kiên ép phải có “chi phí cảm ơn”, mới được cấp phép cho chuyến bay. Để có được giấy phép cho 15 chuyến bay, bị cáo Mai đã đưa cho bị cáo Tuấn 360 triệu đồng, Kiên 600 triệu đồng. Cùng với việc đưa tiền cho một số quan chức ngoại giao khác, Mai bị cáo buộc đã 9 lần đưa hối lộ, tổng cộng 2,3 tỷ đồng.
Khai tại phiên tòa, bị cáo Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty đầu tư và thương mại Thuận An) cho biết sau 8 lần bị Cục Lãnh sự gây khó dễ, đến lần thứ 9 mới được cấp phép chuyến bay đầu tiên vào ngày 23/20/2021. Việc này suôn sẻ do Thắng đã "chi" 600 triệu đồng cho Cục trưởng Cục Lãnh sự.
Tuy nhiên, cũng tại phiên thẩm vấn chiều 11/7, bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn G19 Việt Nam) khai rằng trong quá trình xin cấp phép chuyến bay, bị cáo và doanh nghiệp của mình không bị ai làm khó, tất cả đều giúp đỡ, ủng hộ. Ngoài ra, họ đều từ chối quà mà bị cáo đưa. Bị cáo Hạnh khai đã liên lạc với bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, Đỗ Hoàng Tùng để biếu quà nhưng đều bị từ chối.
Trong vụ án này, bị cáo Hạnh khai đã đưa cho Phạm Trung Kiên 1,2 tỷ đồng, đưa cho Vũ Anh Tuấn 1,4 tỷ đồng và khi đó bị cáo coi đây là “tiền cảm ơn”. Đến thời điểm này, bị cáo Hạnh đã nhận thức đây là hành vi đưa hối lộ và ý thức được sai phạm.
Sáng 12/7, phiên tòa tiếp tục với phần Hội đồng xét xử thẩm vấn các bị cáo./.
- Từ khóa:
- xét xử
- chuyến bay giải cứu
- bị cáo
- hối lộ