Qua thống kê cho thấy, từ năm 2015 - 2023, toàn tỉnh Tiền Giang có 9 dự án xã hội hóa giáo dục đã thực hiện, đưa vào sử dụng với tổng kinh phí trên 157 nghìn tỉ đồng.
TTXVN - Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang đánh giá: Hoạt động xã hội hóa giáo dục được xem như một trong những chủ trương lớn được tỉnh Tiền Giang đặc biệt quan tâm, huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục; đồng thời, nhằm hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu cầu học tập của toàn xã hội.
Tỉnh Tiền Giang hiện có 19 trường Mầm non ngoài công lập, 120 cơ sở giáo dục độc lập, tư thục; một trường Tiểu học dân lập cùng một trường Trung học Phổ thông tư thục. Qua thống kê cho thấy, từ năm 2015 - 2023, toàn tỉnh có 9 dự án đã thực hiện, đưa vào sử dụng với tổng kinh phí trên 157 nghìn tỉ đồng.
Theo bà Nguyễn Ngọc Hoàng Trang, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang), với bậc học Mầm non, các trường ngoài công lập đã giúp các trường công lập giảm bớt áp lực về số lượng trẻ học. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo có nhiều giải pháp đưa các cơ sở Mầm non tư thục hoạt động theo đúng điều lệ trường mầm non.
Để đảm bảo chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đúng theo chương trình giáo dục mầm non của Bộ, ngành Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang tiến hành khảo sát cơ sở vật chất; thường xuyên kiểm tra công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; phối hợp các trường mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các chủ trường, nhóm, nhân viên, bảo mẫu… theo quy định của ngành.
Năm học 2020 - 2021, tỉnh Tiền Giang có 10 dự án trường học kêu gọi đầu tư gồm 3 dự án ở huyện Cái Bè; 4 dự án ở huyện Gò Công Tây và Thị xã Cai Lậy; 2 dự án ở huyện Cai Lậy và Châu Thành. Trong đó, 3 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm gồm: Dự án Trường Mầm non Bình Nhì (huyện Gò Công Tây) với tổng mức đầu tư 15,8 tỉ đồng; Dự án Trường Mầm non trung tâm Thị xã Cai Lậy, tổng mức đầu tư khoảng 70 tỉ đồng; Dự án Trường Mầm non Tân Hương tại Khu tái định cư xã Tân Hương (huyện Châu Thành) với quy mô 1 trệt, 3 lầu, diện tích đất đầu tư 6.820 mét vuông.
Trong năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang đăng ký hai dự án kêu gọi đầu tư tại khu đất số 5, đường Hùng Vương, Phường 1 cùng khu đất đường Nguyễn Công Bình, xã Trung An, đều thuộc Thành phố Mỹ Tho để xây dựng, thành lập trường tư thục chất lượng cao có nhiều cấp học.
Song song đó, bên cạnh các giải pháp kêu gọi xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan có các giải pháp cụ thể hỗ trợ lãi suất tín dụng; vốn đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; hỗ trợ tài chính, tổ chức bồi dưỡng quản lý, chuyên môn cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Theo đó, tỉnh Tiền Giang hỗ trợ kinh phí trên 3,7 tỉ đồng cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp khó khăn do COVID-19; hỗ trợ 30 cơ sở giáo dục ngoài công lập có nhu cầu vay vốn (chiếm 25%) số tiền đăng ký vay là 2,6 tỉ đồng.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang, từ năm 2011 đến nay, Tiền Giang đã phát triển thêm 10 trường Mầm non tư thục và 115 cơ sở độc lập tư thục. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập được hình thành, phát triển theo chủ trương đa dạng hóa các loại hình trường, lớp nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Mạng lưới trường, lớp cùng nhóm trẻ gia đình được phát triển ở diện rộng không còn tập trung ở vùng thị trấn, thị xã mà còn lan tỏa đến vùng nông thôn, từ đó góp phần nâng cao tỉ lệ huy động trẻ ra lớp.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang Lê Quang Trí trao đổi: Để thúc đẩy, khuyến khích hoạt động xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục giai đoạn 2021 - 2025 và 2030, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang tiếp tục chủ động cùng UBND cấp huyện rà soát, cập nhật bổ sung các dự án mới; đề xuất cắt bỏ các dự án trong thời gian dài không có nhà đầu tư quan tâm, không có tính khả thi; tiếp tục mời gọi đầu tư các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục của tỉnh đã được phê duyệt. Sở cũng khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục Mầm non, Phổ thông ngoài công lập ở khu vực thành phố, thị xã cũng như các nơi có điều kiện phát triển.
Đồng thời, Sở kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ sớm ban hành nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục, làm cơ sở để các cơ sở giáo dục Mầm non, Phổ thông tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập…/.