Phương án thi 2+2 (thi 4 môn) sẽ phù hợp với mục đích của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và thỏa mãn nhu cầu học theo năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của thí sinh.
TTXVN - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch công bố phương án thi vào quý IV/2023, song đến nay thông tin về kỳ thi vẫn chưa có khiến nhiều giáo viên và học sinh Hà Nội thấp thỏm, lo lắng.
Theo lộ trình triển khai, vào năm 2025 sẽ có lứa học sinh đầu tiên tham dự Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để chuẩn bị cho kỳ thi đầu tiên này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng, công bố phương án thi để lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Có 3 phương án được đưa ra gồm: 4+2, 3+2 và 2+2. Trong đó, phương án 4+2 học sinh phải thi 6 môn, trong đó có 4 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn. Phương án 3+2 học sinh thi 5 môn, gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn. Phương án 2+2 học sinh thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn), 2 môn còn lại là tự chọn.
Về các phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, phương án 2+2 nhận được nhiều ý kiến đồng tình của nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh. Phần lớn các ý kiến cho rằng, phương án thi 4 môn sẽ phù hợp với mục đích của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bởi dù học sinh học theo bộ sách giáo khoa nào thì với 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn, thi tốt nghiệp sẽ thỏa mãn nhu cầu học theo năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của thí sinh. Hơn nữa, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã thay đổi từ sách giáo khoa, nội dung bài học, phương pháp dạy và học nên việc kiểm tra, đánh giá và thi cũng cần thay đổi.
Bà Đinh Thị Vân có con học lớp 11 Trường Trung học Phổ thông Đại Mỗ, Nam Từ Liêm ủng hộ phương án 2+2 và cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm công bố phương án thi để các gia đình, học sinh có kế hoạch học và ôn tập phù hợp. Các con sẽ dành thời gian tập trung nhiều hơn cho các môn học đúng sở trường và định hướng nghề nghiệp của bản thân.
Phụ huynh học sinh Trường Trung học Phổ thông Phạm Hồng Thái, quận Ba Đình bà Vũ Ánh Nguyệt cho rằng, năm 2025, lứa học sinh đầu tiên thi theo chương trình mới nên phương án thi cần được công bố sớm để tránh tâm lý lo lắng cho học sinh và gia đình các em. Việc giảm còn 4 môn thi vừa giảm áp lực cho học sinh và gia đình vừa giảm chi phí tổ chức kỳ thi.
Nhiều cán bộ, giáo viên Trung học Phổ thông cho rằng, việc giảng dạy và làm quen với kỳ thi đã được nhiều trường chủ động triển khai cho học sinh khối 11. Học sinh và gia đình không nên quá lo lắng bởi có thể kỳ thi năm 2025 chỉ thay đổi về số môn thi.
Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên Lê Trung Kiên cho biết, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi, nhà trường sẽ xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra, khảo sát thường xuyên hơn và trên quy mô toàn khối, qua đó kịp thời có những điều chỉnh trong tổ chức dạy học và hỗ trợ học sinh. Để kịp thời có thông tin về tình hình dạy học cũng như giúp học sinh lớp 11 làm quen với kỳ thi, nhà trường đã tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ theo khối với các môn học bắt buộc. Đối với môn học tự chọn, học sinh được làm bài kiểm tra đánh giá định kỳ theo lớp.
Giáo viên môn tiếng Anh, Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy, quận Cầu Giấy Cao Thanh Hà chia sẻ, phương án 2+2 giảm áp lực nhiều nhất cho học sinh, đồng thời vẫn bảo đảm yêu cầu các cơ sở giáo dục Đại học có thể sử dụng kết quả làm dữ liệu để tuyển sinh. Trước mắt, dù phương án cuối cùng là gì học sinh vẫn cần yên tâm học tập đều các môn, không nên chủ quan để có kết quả tốt, thêm cơ hội xét tuyển vào Đại học./.