Từ sự quyết tâm, nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh, hàng chục ngôi trường mới đã kịp hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm học mới đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn.
TTXVN - Trong bối cảnh số trẻ hàng năm tăng cao ở một đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng trường, lớp mới là giải pháp căn cơ để giải quyết việc đảm bảo chỗ học cho học sinh. Khắc phục những khó khăn về quỹ đất, nguồn vốn đầu tư, Thành phố đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trường học, đưa vào sử dụng hàng trăm phòng học mới hằng năm nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Niềm vui từ những ngôi trường mới
Niềm vui nhân đôi với thầy và trò trong ngày khai giảng năm học mới 2023 - 2024 khi Trường Tiểu học Rạch Già (xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) vừa được khánh thành đưa vào sử dụng. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Rạch Già Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết: Trường được xây mới khang trang với tổng mức đầu tư 131 tỷ đồng, quy mô 30 phòng học, 8 phòng bộ môn, 20 phòng chức năng có trang thiết bị hiện đại. Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, trường có 23 lớp với 770 học sinh. Đội ngũ 25 giáo viên, 2 cán bộ quản lý sẽ là lực lượng nòng cốt cho sự phát triển chất lượng giáo dục của đơn vị năm học này và những năm tiếp theo.
Cùng với Trường Tiểu học Rạch Già, huyện Bình Chánh cũng kịp thời đưa Trường Mầm non Bình Hưng và Trường Trung học Cơ sở Trung Sơn (xã Bình Hưng) vào sử dụng đúng dịp đầu năm học 2023 - 2024 để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn.
Sau 4 năm khởi công với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, công trình cải tạo, nâng cấp và xây mới Trường Tiểu học Thái Hưng (Quận 8) chính thức được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng ngày khai giảng năm học mới 2023 - 2024. Trường được cải tạo sửa chữa 18 phòng học và xây 12 phòng mới, nâng tổng số phòng học của trường lên 30 phòng, cùng các phòng học bộ môn và phòng chức năng. Trong thời gian xây dựng, cải tạo, học sinh của trường học tạm tại cơ sở khác với diện tích nhỏ hẹp. Ngôi trường mới được khánh thành khang trang, sạch đẹp với đầy đủ trang thiết bị phục vụ dạy và học là niềm vui chung của học sinh và thầy cô giáo.
Thầy Nguyễn Hoàng Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thái Hưng cho biết: Năm học này, trường có khoảng 800 học sinh. Với cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng đã đảm bảo cho các em học 2 buổi/ngày. Đồng thời, trường có điều kiện tổ chức các câu lạc bộ cho học sinh. Đơn vị cũng có đủ đội ngũ giáo viên các bộ môn. Điều này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường. Trường mới, số học sinh ăn bán trú tăng cao. Do đó, hoạt động tổ chức bán trú từ khâu tổ chức bếp ăn đến chăm sóc cho học sinh vào giờ nghỉ trưa luôn được nhà trường chú trọng.
Từ sự quyết tâm, nỗ lực của Thành phố, hàng chục ngôi trường mới đã kịp hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm học mới đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ngay đầu năm học 2023 - 2024, toàn Thành phố có 27 dự án trường học đưa vào sử dụng với 441 phòng học mới. Trong đó, bậc Mầm non có 68 phòng, Tiểu học có 197 phòng, Trung học Cơ sở có 88 phòng và các loại hình học tập khác có 88 phòng. Từ sau ngày 5/9 đến hết tháng 12/2023, Thành phố tiếp tục đưa vào sử dụng thêm 21 dự án với 231 phòng học mới.
Nhiều công trình trường học được khởi công xây dựng
Trên địa bàn quận Tân Bình hiện có 24 trường Mầm non, 26 trường Tiểu học và 13 trường Trung học Cơ sở, trong đó chỉ có 9 trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia. Mặt khác, số trường học này cũng chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học đến năm 2025. Trong khi đó, sĩ số học sinh/lớp tại địa bàn quận còn cao, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa đảm bảo theo quy định.
Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết, trước nhu cầu từ thực tiễn, việc đầu tư xây dựng thêm các trường học là cần thiết và cấp bách. Trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, lĩnh vực giáo dục vẫn luôn được Thành phố quan tâm đầu tư. HĐND và UBND Thành phố đã có các nghị quyết thống nhất và bố trí vốn gần 1.157 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cùng lúc 3 trường học đạt chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng Phường 6 (quận Tân Bình) để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn (chi phí hỗ trợ là gần 573 tỷ đồng và chi phí xây lắp là gần 584 tỷ đồng). Trong đó, trường Mầm non có quy mô 20 phòng học, trường Tiểu học có quy mô 30 phòng học và trường Trung học Cơ sở 45 phòng học. Ngoài ra, dự án này còn kết hợp chỉnh trang đô thị mở rộng 2 tuyến đường giáp ranh; đó là đường Hưng Hóa 16m và đường Chấn Hưng 12m (tính từ mép nhà dân mở rộng về phía khu đất công trình công cộng). Hiện nay, thủ tục pháp lý để triển khai khởi công xây dựng các công trình tại khu đất bằng vốn ngân sách Thành phố đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định của pháp luật. Dự kiến, tháng 12/2023, UBND quận Tân Bình sẽ khởi công xây dựng 3 trường học nói trên. Công trình sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào ngày 30/4/2025.
Với quy mô 36 phòng học, Trường Trung học Cơ sở Bình Trị Đông B (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 sẽ cơ bản giải quyết chỗ học cho học sinh trên địa bàn. Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, quận Bình Tân đã khởi công xây dựng 6 trường học mới, trong đó có 5 trường Tiểu học, 1 trường Mầm non. Các trường này dự kiến sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm học mới 2024 - 2025. Dự kiến cuối năm nay, quận sẽ tiếp tục khởi công xây dựng thêm 5 trường Tiểu học.
"Việc cùng lúc triển khai đến 12 dự án xây dựng trường học cho thấy quyết tâm rất lớn của lãnh đạo quận trong việc đẩy nhanh tiến độ các công trình lĩnh vực giáo dục. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng trường được chú trọng và thực hiện linh hoạt, với chủ trương "giải phóng tới đâu xây tới đó". Mục tiêu lớn nhất là nhanh chóng có thêm phòng học mới cho học sinh", ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân chia sẻ.
Thành phố Hồ Chí Minh đang phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 - 18 tuổi). Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đến tháng 12/2022, toàn Thành phố đã đạt 294 phòng. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều. Khó khăn lớn nhất trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học là công tác giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch phù hợp với quy hoạch giáo dục. Giai đoạn 2023 - 2025, Thành phố phấn đấu đầu tư xây dựng 4.500 phòng học mới. Đây là công trình Thành phố quyết tâm thực hiện để chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2025). Thực hiện công trình này, cùng với ngân sách địa phương, Thành phố kêu gọi các nguồn đầu tư để hoàn thành các dự án. Dự kiến, tại các quận, huyện sẽ có hơn 100 dự án trường học kêu gọi đầu tư, hơn 80 dự án trong số đó có vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng./.
- Từ khóa:
- tăng phòng học
- giáo dục
- Thành phố Hồ Chí Minh