HĐND tỉnh Bạc Liêu đã thông qua các Nghị quyết quan trọng và bao quát toàn diện
(TTXVN) Trong hai ngày 12 - 13/12, HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp lần thứ 8.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã bầu ông Huỳnh Chí Nguyện, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhiệm kỳ 2021-2026: thông qua 21 Nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh trên cơ sở xem xét, thảo luận các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình.
Theo đó, HĐND tỉnh thống nhất tổ chức lại Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ để thành lập hai sở gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ; tổ chức lại Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch để thành lập hai Sở gồm: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông. UBND tỉnh quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của 4 sở được thành lập theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Trung ương; căn cứ số lượng biên chế đã giao cho các sở để bố trí, sắp xếp biên chế đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng ngành nhưng không vượt quá tổng biên chế chung. Dự kiến, các sở đi vào hoạt động trong quý 1/2023.
HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn. Cụ thể, cấp học Mầm non, thu 400.000/học sinh/tháng đối với trẻ bán trú khu vực thành thị (không bán trú là 135.000 đồng/tháng) và 300.000 đồng/học sinh/tháng đối với khu vực nông thôn (không bán trú là 100.000 đồng/học sinh/tháng).
Cấp Tiểu học và Trung học cơ sở thu 300.000 đồng/học sinh/tháng khu vực thành thị và 100.000 đồng/học sinh/tháng khu vực nông thôn; cấp Trung học phổ thông thu 350.000 đồng/học sinh/tháng đối với khu vực thành thị và 200.000 đồng/học sinh/tháng đối với khu vực nông thôn. Nghị quyết áp dụng từ năm học 2023 - 2024 trở đi, còn năm học 2022 - 2023 chỉ thu 50% học phí đối với các mức quy định trên.
HĐND tỉnh đã thông qua các Nghị quyết quan trọng và bao quát toàn diện như: Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2023; Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về ban hành Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2021 - 2030…
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng đề nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, cấp đánh giá lại kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, nhất là những chỉ tiêu đạt thấp để tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả trong năm 2023. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; xây dựng nông thôn mới chú trọng phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, cấp cần tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát giá cả; xử lý kịp thời các hành vi mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại; quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão sắp tới. Đồng thời, tập trung giải quyết hiệu quả những hạn chế trong lĩnh vực văn hóa - xã hội; triển khai thực hiện tốt kế hoạch giáo dục - đào tạo, chú trọng cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ nhà giáo; làm tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân...
Để thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 10 - 10,5%/năm trong năm 2023, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ vừa phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế; tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; thu hút các nhà đầu tư điện gió khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt và tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ Dự án điện LNG Bạc Liêu 3.200 MW; xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia.
Địa phương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; tích cực mời gọi đầu tư, phát triển các khu, điểm du lịch, nhất là du lịch sinh thái ven biển, kết hợp với điện gió và dịch vụ giải trí cao cấp ven biển; triển khai thực hiện tốt liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng bán đảo Cà Mau và mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước.
Bạc Liêu sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính; kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan, đơn vị đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ; quyết liệt triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).
Năm 2022, tỉnh Bạc Liêu đạt tăng trưởng kinh tế 9,6%, đứng thứ 4/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 15/63 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển và là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế; việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu cơ bản được đảm bảo. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có bước phát triển. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt.../.