Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng (GRDP) ước tăng 7,17% (kế hoạch đề ra là 6,5-7%%). Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.520 tỉ đồng, vượt 9% dự toán địa phương, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 27.115 tỉ đồng, tăng 12,98%.
(TTXVN) Ngày 9/12, tại Kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Trị khóa VIII đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư công chậm tiến độ, dự án treo; đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất; bồi thường giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc Nam có giá trị thấp…
*Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Chất vấn hiện nay hồ sơ đề nghị cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhiều, trong khi việc giải quyết của cơ quan chức năng chậm, đại biểu Nguyễn Thiên Bình (huyện Gio Linh) cho biết địa bàn hai thị trấn thuộc huyện Gio Linh, tỷ lệ cấp đổi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ mới đạt 25-35%, các xã còn lại đã phê duyệt nhưng chưa thực hiện. Vậy giải pháp tháo gỡ như thế nào?
Ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình, đối với các trường hợp chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, đa số là các trường hợp có vướng mắc, có thể do tranh chấp đất đai, do vi phạm đất đai hoặc một số hộ chưa có nhu cầu cấp giấy. Sở dĩ còn nhiều trường hợp chưa được giải quyết, làm chậm là do việc cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân có diện tích tăng thêm phải hai thẩm quyền mới cấp được (huyện và sở). Dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết, cơ quan xác nhận, thẩm tra lúng túng. Việc chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở khi người dân có nhu cầu nhưng pháp luật không quy định hạn mức dẫn đến cơ quan thẩm định, quyết định còn nhiều lúng túng, không dám thực hiện.
Theo đại biểu Nguyễn Đính (thành phố Đông Hà), việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ảnh hưởng đến nhu cầu giao dịch vay vốn của người dân, cần có giấy chứng nhận cấp thêm tài sản trên đất để tăng vốn vay. Đại biểu Nguyễn Đính cho rằng, trong quá trình triển khai dự án đo đạc vẫn thiếu thận trọng, sự phối kết hợp với chính quyền địa phương và người dân để điều chỉnh thông tin đất đai chưa chặt chẽ. Cử tri mong các ngành chức năng cần khắc phục những hạn chế này để thuận lợi cho người dân.
*Nhiều dự án chậm tiến độ
Chất vấn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, đến nay hầu như các dự án du lịch được phê duyệt chưa triển khai được, gây lãng phí về nguồn lực đất đai và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân, đại biểu Nguyễn Văn Lý (huyện Vĩnh Linh) kiến nghị, ngành chức năng cần xem lại năng lực của chủ đầu tư các dự án, có giải pháp xử lý.
Ông Trương Chí Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 452 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, có 54 dự án đã chấm dứt chủ trương đầu tư, 16 dự án đã ngừng hoạt động, 49 dự án chậm tiến độ, trong đó, 25 dự án chậm tiến độ trên 12 tháng. UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo xử lý đối với từng loại dự án tùy vào mức độ chậm tiến độ khác nhau. Hiện nay có nhóm dự án đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao đất, một số dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng nên nhà đầu tư chưa triển khai thực hiện.
Về năng lực nhà đầu tư, ngành chức năng đã thẩm định năng lực tài chính và năng lực kinh nghiệm theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chậm do những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tăng cường giám sát, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện.
Trả lời chất vấn nguyên nhân và trách nhiệm triển khai chậm tiến độ một số dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay nước ngoài, ví dụ như dự án xây dựng các Trạm Y tế một số xã của huyện Hải Lăng do Italia tài trợ, ông Trương Chí Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc triển khai các dự án nguồn vốn ODA và vốn nước ngoài chậm tiến độ là do ảnh hưởng dịch COVID-19 kéo dài, kinh phí giải phóng mặt bằng khó khăn, vướng các quy định trong giải ngân nguồn vốn...
Về phương án xử lý đối với dự án các trạm y tế một số xã của huyện Hải Lăng, ông Trương Chí Trung cho biết hiện UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Trung ương cho phép dừng sử dụng vốn ODA, tỉnh Quảng Trị có kế hoạch bố trí nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn để thi công hoàn thành các công trình này.
*Cần sớm hoàn thiện tuyến tránh Quốc lộ 1A phía Đông thành phố Đông Hà
Trả lời về Dự án tuyến tránh Quốc lộ 1A phía Đông thành phố Đông Hà chậm tiến độ gây bức xúc trong dự luận, ông Trần Hữu Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Trị cho biết, tuyến đường tránh thành phố Đông Hà dài 22,4km, từ Dốc Miếu huyện Gio Linh đến giáp phía Bắc Trạm thu phí BOT Quốc lộ 1A xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018. Do thiếu nguồn vốn nên đến nay mới hoàn thành được 5 km đoạn phía Nam.
Năm 2022, tỉnh Quảng Trị đề xuất các bộ ngành Trung ương bố trí vốn để hoàn thiện đoạn còn lại. Thế nhưng, Bộ Giao thông Vận tải chỉ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, bố trí gần 400 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đoạn phía Bắc từ Dốc Miếu đến cầu Sông Hiếu. Riêng đoạn 4,2km còn lại ở giữa tuyến từ cầu Sông Hiếu đến phía Nam thành phố Đông Hà chưa có nguồn vốn nên tuyến đường dở dang. Do thiếu nguồn vốn, đến nay mới hoàn thành được 5 km đoạn phía Nam.
Đánh giá công trình tuyến tránh Quốc lộ 1A phía Đông thành phố Đông Hà là cấp bách, ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị đề nghị các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành Trung ương đề nghị hỗ trợ nguồn vốn hoàn thiện đoạn còn lại tuyến tránh này.
Nếu Trung ương không kịp thời bố trí nguồn vốn, tỉnh nên xem xét sử dụng nguồn vốn dự phòng, cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn 5 năm tới của tỉnh, điều chuyển vốn từ công trình khác ưu tiên cho tuyến tránh tránh Quốc lộ 1A phía Đông thành phố Đông Hà. Ông Quang đề nghị cơ quan chức năng và UBND tỉnh sớm trình HĐND tỉnh Quảng Trị phê duyệt chủ trương đầu tư hoàn thiện tuyến đường tránh này.
Trong năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng (GRDP) ước tăng 7,17% (kế hoạch đề ra là 6,5-7%%). Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.520 tỉ đồng, vượt 9% dự toán địa phương, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 27.115 tỉ đồng, tăng 12,98%.
Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII đã thông qua 31 nghị quyết, bao gồm: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; dự toán thu chi ngân sách, phân bổ ngân sách và vốn đầu tư công năm 2023; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công và chủ trương đầu tư một số dự án; phê duyệt kế hoạch biên chế hành chính, sự nghiệp và kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh năm 2023. Ban hành các chế độ, chính sách địa phương nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của Tỉnh ủy trên các lĩnh vực, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023 và những năm tiếp theo./.
- Từ khóa:
- Kỳ họp Hội đồng nhân dân
- Quảng Trị