Cả hệ thống chính trị đang chuẩn bị nền tảng vững chắc, tạo dấu ấn tích cực cho địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền gần dân, sát dân hơn.
Thực hiện Nghị quyết 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các địa phương cấp huyện trên cả nước đang bước vào giai đoạn “chạy nước rút” để hoàn thành các nhiệm vụ.
Chính quyền cấp huyện xác định rõ: Không chờ đợi, không buông lỏng; tinh gọn bộ máy để phát triển, không phải là lý do chậm trễ hay trì trệ. Các địa phương đang nỗ lực thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ, xóa nhà tạm… đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên. Cả hệ thống chính trị đang chuẩn bị nền tảng vững chắc, tạo dấu ấn tích cực cho địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền gần dân, sát dân hơn. Phóng viên TTXVN ghi nhận, phản ánh nội dung này từ thực tiễn ở tỉnh Phú Yên.
Bài 1: Bám cơ sở, “gỡ” việc khó
Nghị quyết 60-NQ/TW cơ bản thống nhất Đề án về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Theo đó, đơn vị hành chính cấp huyện kết thúc hoạt động từ ngày 1/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Cấp huyện sắp kết thúc vai trò lịch sử của mình nhưng điều đáng ghi nhận nhất ở mỗi địa phương và cán bộ, đảng viên chính là tinh thần “còn làm việc là còn nỗ lực”.
* Tháo “nút thắt” giải phóng mặt bằng
Năm 2025, tỉnh Phú Yên xác định giải ngân vốn đầu tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu 8%. Do đó, cả hệ thống chính trị của địa phương tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn.
Giải phóng mặt bằng là một trong những “nút thắt” khiến tiến độ của nhiều dự án bị chậm, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công so với kế hoạch. Tại hội nghị chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công, bà Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh, phải thực hiện cơ chế phân công, phân cấp, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện các dự án đầu tư công theo tinh thần 6 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương đảm bảo bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ cam kết và chịu trách nhiệm toàn diện trước Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy...
Từ nhiều tháng qua, công chức xã An Ninh Đông và cán bộ huyện Tuy An không quản ngày nghỉ, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, giải thích cặn kẽ việc thu hồi đất để thực hiện tuyến đường bộ ven biển (đoạn kết nối huyện Tuy An - thành phố Tuy Hòa, giai đoạn 1). Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng kết nối hạ tầng giao thông của tỉnh Phú Yên và mở ra không gian phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại với tổng vốn đầu tư công 2.228 tỷ đồng.
Ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước khi đầu tư xây dựng tuyến đường này, gia đình ông Nguyễn Mạnh (thôn Phú Sơn, xã An Ninh Đông) thống nhất bàn giao toàn bộ diện tích đất ở để đến khu tái định cư. Ông không đòi hỏi thêm bất kỳ hỗ trợ nào ngoài phần bồi thường theo quy định và vận động thêm người thân, hàng xóm cùng thực hiện.
Ông Nguyễn Mạnh chia sẻ, ở nông thôn mà mở được đường lớn người dân rất phấn khởi. Ngay từ những ngày đầu, chính quyền địa phương, các đoàn thể đến giải thích cặn kẽ chế độ, chính sách đền bù giải tỏa và vận động gia đình bàn giao mặt bằng. Khi thấy cán bộ đến tuyên truyền rõ ràng, minh bạch, người dân cảm thấy yên tâm và sẵn sàng hợp tác.
Dự án tuyến đường bộ ven biển qua địa phận huyện Tuy An có 657 hộ bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất phải thu hồi hơn 59ha với trên 1.230 thửa. Đến nay, địa phương ban hành quyết định và thực hiện thu hồi, bàn giao cho chủ đầu tư được 620 thửa, đạt trên 50,3% kế hoạch. UBND huyện Tuy An đang gấp rút hoàn thành việc xác định giá đất cụ thể phần còn lại trong tháng 5/2025; xây dựng các khu tái định cư, khu cải táng phục vụ dự án trong tháng 6/2025.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tuy An Huỳnh Gia Hoàng, địa phương cùng một lúc phải thực hiện giải phóng mặt bằng cho nhiều công trình lớn như: đường bộ cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường bộ ven biển, hồ chứa nước Hậu Đức, kè chống xói lở bờ biển An Chấn… Cùng với nhiệm vụ chính trị thực hiện sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy, cả hệ thống chính trị từ xã đến huyện vẫn quyết liệt, chủ động rà soát kỹ lưỡng từng thửa đất cụ thể, đảm bảo công bằng, đúng quy định. Đa số người dân địa phương rất đồng tình với chủ trương và các chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Nhà nước. Một số trường hợp chưa thống nhất được chính quyền địa phương ở cơ sở tiếp tục tuyên truyền, vận động…
*Lo cho cho hộ nghèo an cư
Nỗ lực xóa nhà tạm, dột nát chính là hành động thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Tại Phú Yên, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở triển khai quyết liệt, khẩn trương bên cạnh việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Căn nhà xiêu vẹo của gia đình chị Ngô Thị Thu Tuyết ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) đã được tháo dỡ để nhường chỗ xây dựng một ngôi nhà mới vững chắc. Căn nhà dự kiến được xây dựng với diện tích gần 100m2, tổng kinh phí gần 200 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của chương trình xóa nhà tạm và người thân. Khi bức tường gạch được xây cao, chị hình dung ra ngôi nhà mới của mình và hạnh phúc nhân lên gấp bội. Chị Ngô Thị Thu Tuyết tâm sự, chồng mất sớm, con còn nhỏ, từ lâu mẹ con chị phải ở trong căn nhà nhỏ và xuống cấp. Ước mong có nhà mới để mẹ con không phải lo gió mưa giờ đây sắp trở thành hiện thực.
Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Phú Yên đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Công việc này tạo được mối liên kết giữa các đơn vị tài trợ với chính quyền địa phương, các đoàn thể; lan tỏa rộng rãi để cộng đồng cùng chung tay vì giấc mơ an cư của người nghèo. Mỗi mái nhà vững chãi được dựng lên không chỉ che mưa nắng mà còn là nơi nuôi dưỡng khát vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã An Ninh Đông cho biết, trên địa bàn có 7 ngôi nhà tạm cần xóa và 14 ngôi nhà cần được sửa chữa. Khi triển khai, địa phương gặp khó khăn về việc xác định nguồn gốc đất của các hộ dân hay nguồn vốn hỗ trợ còn hạn chế... Thế nhưng, chưa khi nào tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng giữa chính quyền và nhân dân lại được thể hiện rõ nét như lúc này. Người dân địa phương, cả hệ thống chính trị cùng chung sức, đồng lòng vì trách nhiệm và nghĩa tình với cộng đồng. Nhiều người sẵn sàng góp ngày công lao động, vật liệu xây dựng, kinh phí giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn ổn định chỗ ở. Các hộ được hỗ trợ xóa nhà tạm chủ động vượt khó, tận dụng mọi nguồn lực xây dựng nhà mới.
Tính đến ngày 12/5/2025, tỉnh Phú Yên khởi công được 1.854/2.224 căn cho hộ nghèo, cận nghèo và người có công cách mạng, đạt hơn 83%. Tổng số căn nhà đã xây dựng hoàn thành và bàn giao cho các hộ vào ở là 1.263 căn.
Có 4/9 địa phương hoàn thành xóa nhà tạm gồm: các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, thành phố Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa. Tổng kinh phí huy động và phân bổ cho chương trình xóa nhà tạm đến nay lên tới hơn 106 tỷ đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát trong quá trình hỗ trợ nhà ở để đảm bảo đúng đối tượng, chất lượng, thiết thực, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí…
Tỉnh Phú Yên dự kiến cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo trước ngày 30/6 và xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng trước ngày 27/7.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế khẳng định, xóa nhà tạm, dột nát không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là “mệnh lệnh” từ trái tim như Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu. Điều này thể hiện sinh động tinh thần đại đoàn kết dân tộc, là cách chúng ta cụ thể hóa chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Mỗi căn nhà hoàn thành giúp hộ nghèo được an cư, không còn gánh nặng về nhà ở, từ đó có điều kiện tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Khi bộ máy hành chính ở các địa phương đang từng bước được sắp xếp tinh gọn, cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, những việc làm thiết thực như xóa nhà tạm, dột nát càng có ý nghĩa./. (Còn tiếp)
(Bài 2: Tạo dựng nền tảng số phục vụ nhân dân)